Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa qua số cán bộ vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng “nhẹ trên nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước.
Ngày 19/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ông cho biết, mới thành lập và hoạt động nhưng nhiều Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Các địa phương đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Tình trạng trên nóng, dưới lạnh bước đầu được khắc phục.
Một năm qua, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng vào diện theo dõi để tập trung xử lý. Nhiều địa phương phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, trong đó có cả nguyên bí thư, chủ tịch tỉnh.
Số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp và cán bộ cả đương chức, nghỉ hưu bị phát hiện, xử lý nhiều hơn. Phòng chống tham nhũng trở thành xu thế “không làm không được”, được dư luận, nhân dân đồng tình.
Thời gian tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh nêu cao hơn nữa tinh thần quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. “Nơi nào không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì phải đề xuất xử lý trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu Ban chỉ đạo nơi đó”, Tổng bí thư nói và yêu cầu các địa phương khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của bộ phận cán bộ.
Các địa phương phải xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương; người giữ cương vị cao càng phải tiền phong, gương mẫu; phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng.
Đồng thời, ông yêu cầu loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu chống tham nhũng quá mạnh sẽ cản trở phát triển, làm nhụt chí sáng tạo, làm cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai. “Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên để người khác làm”.
Tổng bí thư cũng chỉ đạo các cấp xử lý cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, bởi tình trạng này làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân. Chống tham nhũng trước hết phải giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân; kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn và xử lý dứt điểm những vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh đẩy nhanh tiến độ, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, để chuẩn bị tốt nhất sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
Các thành viên Ban chỉ đạo phải liêm, dũng, chính, trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào; dám nói, dám làm vì lợi ích chung.
“Nếu không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, thì còn nói được ai, xử lý được ai?”, Tổng bí thư nói, đề nghị có chính sách đãi ngộ hợp lý tạo động lực để những người làm công tác chống tham nhũng toàn tâm, toàn ý với công việc.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, một năm qua, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, tăng gấp 3 lần so với năm trước khi thành lập.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh đưa 444 vụ án và 156 vụ việc tham nhũng vào diện theo dõi. Đã có 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng bị khởi tố; 15 tổ chức đảng và 80 cán bộ, công chức trong các cơ quan chống tham nhũng bị kỷ luật.