Ban Tổ chức trao giải Nhất cho tác giả Đan Nhiễm với tác phẩm: Hiện thực hoá giấc mơ sông Hồng. |
Chiều 7/10, Báo Hà Nội mới tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Hà Nội mới tổ chức Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long – Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; đồng thời khơi dậy tình yêu, trách nhiệm trong mỗi người để đóng góp xây dựng Thủ đô.
Tổng Biên tập báo Hà Nội mới chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”. |
Sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát động (28/3/2024), Ban Tổ chức đã nhận được 180 bài, loạt bài dự thi và lựa chọn những tác phẩm chất lượng để đăng tải trên báo điện tử Hà nội mới và ấn phẩm Hà Nội mới Cuối tuần.
Cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước; thu hút hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi.
Trong đó, có những tác giả từng trực tiếp góp phần viết nên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước và Thủ đô. Điển hình như tác giả Phạm Văn Chương (90) tuổi từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều tác phẩm của các tác giả đến từ khắp mọi miền đất nước.
Thông qua các tác phẩm, người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng của Hà Nội trước, trong và sau Ngày Giải phóng. Đó là khoảnh khắc chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng trước khi về Thủ đô, là ký ức tự hào khi đoàn quân “trùng trùng như sóng” tiến về, trong niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của hàng vạn người Hà Nội khi Thủ đô.
Đó là những câu chuyện về Hà Nội vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam; một Hà Nội kiên cường làm nên chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.
Ban Tổ chức trao chứng nhận giải thưởng cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc. |
Chiếm tỷ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia (thí dụ như các tác phẩm: “Những mùa đông Hà Nội ấm áp”; “Nhà tôi ở đó”; “Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội”…); hay những câu chuyện giản dị nhưng lấp lánh phẩm cách hào hoa, thanh lịch của người Hà thành (“Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn”, “Người Hà Nội”, “Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, “Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long”…). Những bài viết đầy ắp tình cảm mến yêu, thương nhớ càng cho thấy vẻ đẹp, sức hút, sức lan tỏa rất lớn của trầm tích văn hóa lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
Nhiều tác giả đã đầu tư cho ra đời những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô (thí dụ như tác phẩm: “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng”, “Sông Hồng và những nhịp cầu nối bờ vui”, “Để dòng Tô thắm xanh”, “Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”…).
Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo với Hội đồng chung khảo, gồm các nhà báo tên tuổi, có uy tín và kinh nghiệm, Ban Tổ chức đã chọn ra 20 tác phẩm có điểm cao nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và các giải phụ.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Thông qua cuộc thi, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội, càng trân quý những giá trị lớn lao của Hà Nội được bồi tụ từ nghìn năm lịch sử để cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau góp sức gìn giữ, phát huy để hào khí Thăng Long – Hà Nội càng thêm lan tỏa, rạng ngời”.
Baonhandan.vn
Nguồn: https://nhandan.vn/ton-vinh-nhung-tac-pham-bao-chi-tam-huyet-ve-thu-do-post835309.html