NDO – Tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề nghiệp của chúng ta hơn nghề khác. Tôn vinh nghề dạy học để thấy trách nhiệm của lớn lao, công việc ý nghĩa.
Đó là chia sẻ của Hiệu trưởng Trường đại học Sư Phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn tại lễ mít-tinh kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2024) và khen thưởng các cấp diễn ra ngày 20/11, tại Hà Nội.
Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các thế hệ nhà giáo và sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh – những nhà giáo tương lai của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường đại học Sư Phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn gửi lời chúc mừng và cảm ơn các thầy giáo, cô giáo – những người không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp xây dựng và phát triển thế hệ tương lai của đất nước.
Với cương vị là người đứng đầu ngôi trường đào tạo ra những thế hệ nhà giáo tương lai, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn bày tỏ tri ân đến đến những nhà giáo lão thành, các thế hệ nhà giáo đã dạy dỗ, dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên khôn lớn, trưởng thành và trở thành nhà giáo tương lai.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư Phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại buổi lễ. |
“Tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề nghiệp hơn nghề khác mà tôn vinh nghề dạy học để thấy trách nhiệm lớn lao, ý nghĩa to lớn của người thầy. Tôn vinh để có thêm sức lực niềm tin vào những điều đẹp đẽ, bền bỉ và kiên định với công việc, vượt qua thách thức, gian truân của cuộc sống, gắn bó và yêu nghề” – Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
Nhắn nhủ tới các sinh viên, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ trên con đường dạy học, thầy cũng cần có trò; học sinh, sinh viên là một nửa không thể thiếu, góp phần hun đúc sự nhiệt huyết, tiếp thêm sức lực, lòng thương người, yêu nghề cho người thầy.
Tại buổi lễ, sinh viên Nguyễn Tống Hiểu Thương, lớp K73 Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Thầy cô là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, dạy chúng em như thế nào gọi là yêu nghề, giá trị thực sự của nghề. Chúng em hiểu rằng giá trị của nghề giáo là truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, dẫn dắt các thế hệ học trò đến với những giá trị nhân văn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Cũng tại buổi lễ, Đại học Sư phạm Hà Nội vinh danh các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và các giải thưởng cho cán bộ, giảng viên tiêu biểu của trường…
Nguồn: https://nhandan.vn/ton-vinh-nghe-day-hoc-de-thay-trach-nhiem-lon-lao-post845958.html