Chiều 4/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức họp báo về Lễ trao giải thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022; Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo” và tiến hành Kỳ họp thứ Tư của Hội đồng.
Bà Ngô Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, Lễ trao giải thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 6/12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện một số ban, bộ, ngành liên quan. Từ năm 2010 đến nay, đây là lần trao tặng thưởng thứ 9 của Hội đồng.
Theo bà Ngô Phương Lan, mục đích của Lễ trao giải nhằm khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình phục vụ trực tiếp cho định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; động viên, thúc đẩy và phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để có các tác phẩm tốt phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.
Đến nay đã có 87 tác phẩm (gồm 35 cuốn sách, 2 chương trình truyền hình và 50 bài viết) được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị xét tặng thưởng. Hội đồng quyết định trao giải thưởng cho 19 tác phẩm, trong đó, mức A: 1 tác phẩm (sách); mức B: 4 tác phẩm (3 sách, 1 chương trình); mức C: 10 tác phẩm (8 sách, 2 bài/ cụm bài viết) và mức Khuyến khích: 4 tác phẩm (3 sách, 1 chương trình).
Ngoài ra, 11 cơ quan, đơn vị (nhà xuất bản, cơ quan báo chí) cũng được trao tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Về Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo, bà Ngô Phương Lan cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị được Ban Bí thư, mà trực tiếp là đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giao, lãnh đạo Hội đồng đã căn cứ vào đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đời sống lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà để chọn chủ đề Hội thảo.
Hội thảo hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản về: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.
Quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết. Quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.
Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể trong việc xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ tới, góp phần xây dựng nền văn nghệ mới tiên tiến, giàu tính dân tộc, dân chủ, nhân văn…
“Đến thời điểm này, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 100 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương”, bà Ngô Phương Lan cho hay.
Hội thảo sẽ được diễn ra vào ngày 13/12 tới tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu.
Hoà Giang