Những thông tin trên được nhấn mạnh vào sáng nay, 24.7 tại buổi tập huấn nâng cao năng lực cán bộ quản lý và giáo viên mầm non về “Công tác phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội, đẩy mạnh công tác truyền thông” do Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, diễn ra tại Trường mầm non Thành phố.
Tạo bầu không khí cởi mở khi trao đổi
Trình bày bài giảng trong buổi tập huấn, bà Vương Trần Thị Nữ, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, cho biết nhà trường có thể phối hợp với gia đình trẻ, cùng trao đổi, trò chuyện với các phụ huynh, chia sẻ các thông tin trong nhiều hình thức. Như qua bảng thông báo, qua góc bảng tin của trường hoặc tại mỗi nhóm lớp; trao đổi thường xuyên, hằng ngày trong các giờ đón, trả trẻ; tổ chức họp phụ huynh định kỳ…
Nhà trường cũng có thể tổ chức những buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ theo chuyên đề; thông qua các hội thi văn nghệ; hay cán bộ quản lý, giáo viên đến thăm trẻ tại nhà. Hoặc ở nhiều trường mầm non có các hoạt động, mời cha mẹ trẻ tham gia các hoạt động cùng với trẻ…
Khi giao tiếp, truyền thông với cha mẹ trẻ, người thân của trẻ, các giáo viên mầm non cần tạo bầu không khí cởi mở để cha mẹ cảm thấy thoải mái chào hỏi, đón tiếp niềm nở.
Đâu là những kỹ năng khi giao tiếp với cha mẹ trẻ? Theo đại diện từ Phòng Giáo dục mầm non, các giáo viên nên áp dụng quy tắc khen trước khi chê, khi trao đổi với cha mẹ về những vấn đề của các bé. Hãy khen ngợi những điểm tốt của bé, của cha mẹ trước khi cùng trò chuyện về những khó khăn, những vấn đề trẻ đang cần hỗ trợ, giúp đỡ.
Trong quá trình giao tiếp, giáo viên cần sử dụng từ ngữ trong sáng, gần gũi, dễ hiểu; ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Ngữ điệu giọng nói cần nhẹ nhàng, thân thiện. Giáo viên cần bình tĩnh trong các tình huống, biết cách lắng nghe và tương tác với phụ huynh trong khi nói chuyện. Đồng thời, cần biết lắng nghe tích cực, không ngắt lời khi cha mẹ đang trình bày. Hãy kiên nhẫn, khuyến khích và đưa ra những câu hỏi phù hợp, đúng lúc.
Đáng chú ý, buổi tập huấn nhấn mạnh với giáo viên, trong quá trình trao đổi với phụ huynh, khi cảm thấy cha mẹ bồn chồn mất tập trung, không sẵn sàng chia sẻ, thầy cô giáo nên dừng lại để tiếp tục vào buổi khác. Giáo viên cần tôn trọng quyền riêng tư của học sinh và gia đình; tôn trọng tuyệt đối các thông tin cá nhân của gia đình trẻ trong các cuộc trao đổi riêng với cha mẹ, không kể với người khác các thông tin riêng về trẻ, gia đình trẻ và những chia sẻ của phụ huynh trong cuộc trò chuyện đó.
Tránh nhầm lẫn giữa thuyết phục phụ huynh và thao túng
Một giáo viên mời các phụ huynh tới lớp cùng con làm các sản phẩm thủ công, một ông bố xin phép vắng vì có việc bận. Cô giáo nói: “Bé nào trong lớp cũng có ba hoặc mẹ đi cùng, anh chị không đến là bé buồn đó”, điều này khiến cho phụ huynh kia vô cùng lo lắng. Cách nói chuyện của giáo viên ở trên được xem như một ví dụ của việc thao túng, điều này khác biệt hoàn toàn với việc thuyết phục cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ. Thuyết phục là nghệ thuật để khiến ai đó tự nguyện. Còn thao túng là sử dụng áp lực để bắt ai đó làm gì đó không đúng theo nguyện vọng của họ. Đó cũng là thông tin được lưu ý tới các thầy cô giáo tại buổi tập huấn sáng nay.
Vậy đâu là những kỹ năng cần có khi làm việc với các cha mẹ trẻ? Theo Phòng Giáo dục mầm non, đó là kỹ năng tìm hiểu về các phụ huynh học sinh trước các buổi trao đổi, làm việc; kỹ năng điều hành, truyền đạt; kỹ năng trình bày; kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống; kỹ năng lắng nghe, phản hồi; kỹ năng thuyết phục.
Tại buổi tập huấn, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay để thuyết phục thành công cha mẹ trẻ, các thầy cô giáo cần tạo niềm tin cho phụ huynh, sử dụng lời lẽ, lập luận làm cho cha mẹ tin tưởng. Thuyết phục phụ huynh thì cần phải gắn với lợi ích thực tiễn, hướng tới sự phát triển của trẻ, sự phát triển của trường lớp và tính khả thi trong thực tế.
“Một ví dụ nhỏ, thầy cô cũng nên chú ý. Như góc bảng tin ở mỗi trường mầm non, khi phụ huynh đưa con đi học sẽ dễ dàng nhìn thấy. Chuyển đổi số tới đâu, mọi thứ có cập nhật nhanh chóng trên internet thế nào thì bảng tin này cũng cần phải có và được trang trí sinh động, đừng để trống trơn. Đó có thể là các bài thơ bé đang học ở trường, phụ huynh xem được và về nhà đọc thơ cùng con. Hay có thể là những hình ảnh của bé ở trường. Phụ huynh ai cũng thích được nhìn thấy hình ảnh thực tế của con mình, đừng chỉ vì để trang trí bảng tin cho đẹp mà lấy ảnh minh họa trẻ em từ đâu đó”, bà Điệp chia sẻ.
“Nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ là cả một nghệ thuật, một chặng đường dài vì vậy đòi hỏi người làm giáo dục phải khéo léo, phải kiên trì, phải thống nhất. Chính sự phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ giúp hai bên nắm bắt kịp thời các thông tin và thống nhất được nội dung, phương pháp, mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Điều này tạo thuận lợi cho sự phát triển của trẻ, từ đó góp phần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục toàn diện trong nhà trường”, đại diện Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM trao đổi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-lam-viec-voi-phu-huynh-ton-trong-tuyet-doi-thong-tin-ca-nhan-hoc-sinh-185240724154326527.htm