Kể từ cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 dẫn đến cuộc chiến Israel-Hamas, tình trạng bài trừ Hồi giáo tái diễn với mức độ đáng ngại ở nhiều nước, đặc biệt là tại Mỹ.
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 15-3, đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp chống bài trừ Hồi giáo. Văn bản này đặc biệt lên án việc kích động phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực chống lại người Hồi giáo, thể hiện ở việc ngày càng có nhiều vụ xúc phạm Kinh Koran, tấn công các nhà thờ Hồi giáo cũng như các hành vi không chấp nhận tôn giáo, hận thù và bạo lực đối với người Hồi giáo. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại sự không chấp nhận tôn giáo, định kiến tiêu cực, hận thù, kích động bạo lực và bạo lực đối với con người vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ cùng các bên liên quan thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo, văn hóa và các nền văn minh, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, đa dạng tôn giáo và văn hóa…; yêu cầu Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm một đặc phái viên của LHQ về chống bài trừ Hồi giáo và trình báo cáo lên Đại hội đồng LHQ trong phiên họp lần sau về việc thực hiện nghị quyết này.
Kể từ cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 dẫn đến cuộc chiến Israel-Hamas, tình trạng bài trừ Hồi giáo tái diễn với mức độ đáng ngại ở nhiều nước, đặc biệt là tại Mỹ.
Trong Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden được Nhà Trắng phát nhân Ngày Quốc tế chống bài trừ Hồi giáo (15-3), nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi loại bỏ thù hận và bạo lực nhằm vào người Hồi giáo; đồng thời tạo dựng một thế giới tự do tín ngưỡng và an toàn cho mọi người dân.
Tổng thống Biden nhấn mạnh không ít người Hồi giáo vẫn đang phải chịu đựng sự sợ hãi vô căn cứ, sự phân biệt đối xử trắng trợn, quấy rối và bạo lực trong cuộc sống hàng ngày. Theo ông Biden, hiện tại, Mỹ đang soạn thảo Chiến lược quốc gia đầu tiên chống lại các hình thức thiên vị, phân biệt đối xử tôn giáo. Mục tiêu của chiến lược là huy động nỗ lực của toàn xã hội nhằm chống lại mọi hình thức thù hận, phân biệt đối xử và thành kiến đối với các cộng đồng Hồi giáo, đạo Sikh ở Nam Á và người Mỹ gốc Arab; đồng thời nâng cao nhận thức về di sản và những đóng góp vô giá của cộng đồng người Hồi giáo cho nước Mỹ.
KHÁNH MINH