Nói chuyện với Nông Tiến Dũng, càng ngạc nhiên về lối trò chuyện khác với “dân” hội họa, vốn hoặc bỗ bã bộc trực nồng nhiệt từ ngữ hoặc cực kỳ kiệm lời, thì Dũng có lẽ nằm trong số không ít họa sĩ lại có bằng Tiến sĩ Nghệ thuật học, nên nói năng đầy học thuật. Thuở ban đầu cũng vẽ hoa, vẽ phong cảnh tĩnh vật, tranh bán được.
Nhưng rồi, cho đến năm 2014, anh vẽ tác phẩm “Con đường huyết mạch”, kể về một khía cạnh của cuộc chiến, được giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực I và được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Sau đó, anh làm nghiên cứu sinh, đề tài tiến sĩ là “Yếu tố lãng mạn trong tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng giai đoạn 1945-1975”. Năm 2020, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. 5 năm làm tiến sĩ, Dũng không vẽ tiếp dòng tranh này. Rồi dự định làm tiến sĩ xong thì “làm kinh tế”, tức là vẽ tranh dễ bán, vì vợ con chờ đợi lâu quá rồi, nhà xây còn dang dở vì chưa đủ tiền. Nhưng “em lại nghĩ, nếu mình không làm thì thế hệ sau này chẳng ai làm, mà mình đã nghiên cứu rất kỹ dòng nghệ thuật này, bỏ đi thì phí quá”, Dũng tâm sự.
Mà thực ra, họa sĩ Nông Tiến Dũng bảo, “còn do duyên, có điều gì đó cứ thôi thúc, xúi giục em phải đi theo con đường này”.
Lúc đầu, Dũng vẽ tranh kiểu giống bức tranh đầu tiên “Con đường huyết mạch”, tức là tái hiện lại chiến tranh. Nhưng sau đó, họa sĩ đã phát hiện ra đó là một sai lầm, bởi vì nếu vẽ hiện thực thì mình không có thực tế, lại không vượt qua được “các cụ”. Thế là xác định lại từ đầu, vẽ đề tài chiến tranh nhưng bằng thái độ của người trẻ nhìn về chiến tranh một cách nhân văn, bình tĩnh hơn.
Nông Tiến Dũng vẽ hàng loạt tranh sau đó trên tinh thần ấy. Ví dụ bức “Gặp gỡ”, những người lính còn sống đi tìm đồng đội, họ gặp nhau, bức tranh bảng lảng giao hòa âm dương, không có khoảng cách giữa những người lính với linh hồn đồng đội.
Bút pháp này chiếm phần lớn sáng tác của Nông Tiến Dũng. Đó còn là một “Tiếng chuông” vào ngày rằm, đêm trăng sáng vời vợi, thỉnh một tiếng chuông mà tụ hội linh hồn người lính trở về… Tác phẩm “Tiếng chuông” đã có mặt trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2024.
Dũng càng vẽ càng thấy như mình được ai đó “giao” cho sứ mệnh. Tác phẩm nối tiếp nhau ra đời, “Huyền thoại Tây Nguyên”, “Ngã ba Đồng Lộc”… đều dựa trên tinh thần xuyên suốt là sự tri ân, mang sức gợi rất lớn.
Họa sĩ kể để có một tác phẩm ra đời, anh vẽ hàng trăm phác thảo, bản cuối cùng còn lại là vẽ tả thực, rồi trên nền ấy lại xóa nhòa đi, phả vào đó một không khí huyền ảo, siêu thực như từ một cõi nào đó những người lính trở về kể về cuộc chiến mà họ đã trải qua, đã hy sinh xương máu.
Khi nghiên cứu về thế hệ mỹ thuật kháng chiến, mà họa sĩ gọi là một đỉnh cao khó vượt qua, bằng một Luận án Tiến sĩ, anh cảm nhận và thích thú với một tên tuổi đỉnh cao nào nhất?
– Tôi đánh giá rất cao họa sĩ Nguyễn Sáng, với những tác phẩm vẽ trong kháng chiến của ông, như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Cảm nhận của tôi thì ông không chỉ là một họa sĩ, mà tranh của ông còn mang yếu tố bác học, tư duy cực kỳ sâu sắc.
Hiện nay anh có vẽ tranh tĩnh vật và tranh chân dung không?
– Tôi vẽ tĩnh vật và chân dung chỉ để giải trí thôi. Hiện giờ tôi tập trung cao độ vào dòng tranh mình đang theo đuổi.
Nhưng việc này nó không đem lại tiền bạc cho anh, mà tôi biết gia cảnh anh cũng không dư dả gì?
– Tôi biết chứ và tôi chấp nhận điều ấy. Nhưng nếu tôi không vẽ thì thế hệ sau này sẽ càng ít người vẽ về nó. Khi đã quyết định đi theo dòng nghệ thuật này thì tôi xác định là không làm kinh tế.
Thế còn gia đình, cuộc sống vợ con thì sao? Tôi biết vợ con anh hiện vẫn sống ở Sơn Tây?
– Vẫn phải chờ đợi thôi vì tôi vẫn nghĩ dòng tranh của tôi nếu được đánh giá cao thì giá trị một bức tranh sẽ lớn hơn nhiều những bức tranh vẽ chỉ để dễ treo. Nên tôi vẫn hướng tới giá trị lâu dài. Thậm chí bức “Con đường huyết mạch” đã được một nhà sưu tập trả 5.000 đô la nhưng tôi không bán.
Tự nói về mình thì anh đang vẽ theo phong cách hội họa nào?
– Nó là sự pha trộn giữa hiện thực, siêu thực và đồng hiện.
Anh nói gì về xu hướng hội họa ở Việt Nam hiện nay?
– Nó đang ở thời kỳ hậu hiện đại, mỗi người theo đuổi một phong cách, một xu hướng khác nhau và chưa có một kết luận rõ ràng.
Thế còn đánh giá về thế hệ họa sĩ trẻ?
– Mỗi giai đoạn tạo một dấu ấn lịch sử khác nhau. Các thế hệ họa sĩ trước kia vô cùng giỏi, đã phủ một cái bóng quá lớn. Nhưng không có nghĩa là lịch sử lại có những vết khuyết. Thế hệ trẻ ngày nay vẫn đang tiếp tục kế cận, viết tiếp và có những thành tựu mà thế hệ đi trước không có, điều này là vô cùng bình thường.
Anh là họa sĩ, giảng viên, tiến sĩ, anh nghĩ gì về những họa sĩ không học mỹ thuật ngày nào, vẫn vẽ tranh bán tốt, thậm chí có cả những nhà văn, nhà báo chuyển sang vẽ tranh và họ bán rất được?
– Tôi nghĩ là một xu hướng xã hội. Nhưng nếu đánh giá một tác phẩm văn học phải dựa vào ý tứ, câu từ thì đối với một tác phẩm hội họa là bố cục, hình tượng, không gian. Nên nếu nhìn nhận chặt chẽ thì đánh giá tác phẩm nó không đơn giản như những gì chị đang nhắc đến.
À nhưng người mua, người bỏ tiền ấy thì họ lại không biết hoặc họ không cần biết đến bố cục hay hình tượng là như thế nào, họ thích thì họ mua thôi, đôi khi vì một cái tên hoặc vì đơn giản là bức tranh dễ treo.
– Đúng vậy!
Một họa sĩ lại có lý luận như anh, thì có làm thui chột cảm xúc của họa sĩ không?
– Không hề, tôi nghĩ nó nâng cao hơn. Tôi vẽ bằng cảm xúc nhưng đúng là hình tượng nghệ thuật của tôi nghiêng về lý trí. Nhưng tôi vẫn hướng tới việc đạt tới sự rung cảm trong hình tượng nghệ thuật. Khi dạy sinh viên tôi cũng hướng tới điều này. Nhưng để đạt được rất khó, khó hơn tả thực rất nhiều. Vẽ tả thực thì sinh viên năm thứ 3 của tôi đã làm tốt rồi.
Dự định sắp tới của anh là gì?
– Năm 2025 tôi sẽ mở một triển lãm cá nhân về dòng tranh chiến tranh cách mạng. Mục đích đầu tiên là tri ân các anh hùng liệt sĩ. Có thể sau triển lãm mà hết duyên tôi sẽ dừng lại.
Có cái này lạ lắm, khi tôi chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp bộ về bảo tồn và phát huy giá trị tượng lăng mộ, khi đi điền dã, có những buổi trưa tôi đến một khu lăng mộ, thì có cảm giác nhìn thấy rõ ràng người nằm trong lăng mộ đang đứng chờ mình. Vẽ tranh về đề tài chiến tranh cũng thế, nó luôn khắc khoải trong tim mình, buộc mình phải làm, như là có “ai đó” đang gửi gắm vào mình, bảo mình đi con đường ấy.
Cảm ơn họa sĩ và chúc anh thành công trên con đường đã chọn!