NDO – Trên con đường tìm kiếm giải pháp hỗ trợ, tối ưu hóa vận hành cơ sở giáo dục mầm non quy mô lớn đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Huế, một sư cô đã đi học các nguyên lý sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại thủ đô Hà Nội.
Trong tiết trời se lạnh của mùa đông Hà Nội, các học viên của lớp học chatbot AI không khỏi bất ngờ khi một nữ tu bước vào giảng đường. Sư cô T.Đ, người đang hỗ trợ vận hành Trường mầm non Lâm Tỳ Ni (thành phố Huế) cho biết mình vừa hạ cánh sau chuyến bay từ cố đô ra Hà Nội.
Giữa không gian lớp học với đa dạng học viên từ nhiều ngành, nghề khác nhau như: quản lý doanh nghiệp, chuyên viên tâm lý, nhân viên văn phòng…, dáng vẻ giản dị của sư cô không khỏi thu hút sự quan tâm nhất định. Suốt buổi học, sư cô chăm chú ghi chép về các nguyên lý sử dụng AI và quy trình tạo chatbot.
“Quản lý một trường mầm non có diện tích 3.000m2, với hơn 300 học sinh không phải điều đơn giản. Tôi hy vọng công nghệ hiện đại sẽ giúp tối ưu hóa công việc cho nhà trường. Cụ thể hơn, chúng tôi muốn xây dựng những giáo án linh hoạt, cập nhật thường xuyên dựa trên đặc điểm của từng học sinh. Tôi nghĩ rằng, AI chính là trợ thủ đắc lực cho việc này”, sư cô T.Đ chia sẻ.
Sư cô T.Đ chăm chú vào bài giảng trong vai trò học viên công nghệ. |
Hình ảnh một tu sĩ tìm đến “bàn tay” trợ giúp của công nghệ hiện đại cho thấy, AI đang thật sự hiện hữu trong mọi ngóc ngách của đời sống. Theo các thống kê, thị trường AI trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục từ mức 2,5 tỷ USD vào năm 2022 lên dự kiến 23,82 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm ấn tượng là 38%.
Con số này không chỉ phản ánh tiềm năng to lớn của công nghệ, mà còn cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào tương lai của giáo dục thông minh. Thí dụ như ở Singapore, Chính phủ đã quyết định tích hợp AI vào hệ thống giáo dục phổ thông, mở ra một mô hình giáo dục hiện đại đáng học hỏi.
Tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo 7 nghìn chuyên gia AI đạt chuẩn quốc tế và ươm tạo 500 startup AI vào năm 2030, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc theo đuổi xu hướng toàn cầu.
Nhận định về sự phát triển như vũ bão nêu trên, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh về Generative AI trong giáo dục Lương Dũng Nhân cho biết: tốc độ phát triển của AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn, đã vượt xa những dự đoán ban đầu của giới chuyên môn.
Chuyên gia Lương Dũng Nhân. |
“Các chatbot AI ngày nay không đơn thuần là công cụ trả lời câu hỏi, mà đã trở thành những cộng sự tư duy với khả năng phân tích, tổng hợp, đề xuất giải pháp một cách sáng tạo, thiết thực. Đặc biệt, trong môi trường giáo dục, lợi thế kép sẽ thuộc về những giáo viên, nhà trường biết nắm bắt xu hướng phát triển của AI”, anh Dũng Nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lương Dũng Nhân, việc ứng dụng AI trong giáo dục cần được thực hiện theo chiến lược, gắn với những trách nhiệm cụ thể. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên cả về kỹ thuật sử dụng AI và cách tích hợp công nghệ AI vào phương pháp sư phạm một cách hiệu quả, đạo đức.
Nguồn: https://nhandan.vn/toi-uu-hoa-cong-tac-quan-ly-truong-mam-non-bang-cong-nghe-ai-post849230.html