Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Tôi gặp Loh Kiwan của nhà văn Cho Hae Jin, kể chuyện một người Triều Tiên tị nạn ở Bỉ.
Trong lúc chờ chính quyền sở tại xác nhận thân phận, anh trải qua một hành trình thử thách sức chịu đựng con người. Ở đó tình yêu và sự mất mát gặp nhau, xoa dịu nhau giữa ổ lồng lạnh giá của thế gian.
Hơn hai tiếng phim có lẽ quá ít để chuyển tải hết các bi kịch của tồn tại, nhất là tồn tại với tư cách một con người muốn sống cho ra con người. Vì thế, phim đáng ra trở thành một tác phẩm đầy hứa hẹn nhưng cuối cùng lại tự mình hụt chân.
Loh Kiwan trình hiện một kiểu nhân vật thiếu quê hương. Cố quận không thể quay về. Đất mới thì không chấp nhận.
Anh lạc loài giữa xã hội Tây phương hiện đại, một xã hội phân vân giữa lý tưởng bác ái đại đồng với gánh nặng người nhập cư ngoại quốc.
My Name is Loh Kiwan | Official Trailer | Netflix
Tôi tên Loh Kiwan chia thành hai phần. Đôi khi hồi ức gối chồng lên thực tại. Loh Kiwan sang đến Bỉ nhưng phải sống chui lủi, không dám gây sự với người bản xứ vì anh ý thức rõ mình không có quyền công dân.
Hiểu theo cách khác, sự hiện hữu của anh không được công nhận. Anh chỉ là bóng ma vật vờ, trốn chạy, ẩn mình. Anh bị bắt nạt, bị lừa gạt, bị hành hạ, giày bị ném xuống hồ nước giữa mùa đông…
Từng người một thay nhau phủ định anh. Kể cả guồng máy hành chính cũng phủ định anh. Đồng hương cũng phủ định anh.
Sang phần thứ hai, giai đoạn có tính bước ngoặt trong cuộc đời Loh Kiwan, khi anh gặp cô gái nổi loạn tên Marie. Cô có mẹ và cha đều là người gốc Hàn, là một phụ nữ mạnh mẽ nhưng đã để cuộc đời trượt đi do những tổn thương trong quá khứ.
Cuộc hội ngộ giữa Marie và Loh Kiwan đã cứu đời hai con người đang dưới đáy. Nàng tiểu thư sa ngã và chàng trai khốn khổ nhân hậu là mối quan hệ không mới trong nghệ thuật. Vì thế, Tôi tên Loh Kiwan dù đứng đầu về độ phổ biến nhưng cũng nhận đánh giá cho rằng phim không thực sự xuất sắc.
Quê hương nơi đâu
Nửa sau của phim đã đánh mất sức nặng mà nửa đầu gây dựng. Dẫu rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, nhưng ở đây trời lại sáng… quá nhanh, thành ra khiến khán giả có chút hụt hẫng.
Những màn tình tứ khi hai con người đau khổ chấp nhận bước vào đời nhau cũng rập khuôn và không gây ấn tượng như lẽ ra nó phải thế. Xung đột, mâu thuẫn được đẩy lên quá lớn thành ra kết thúc dễ dàng cũng thiếu thuyết phục.
Trường đoạn trước khi Loh Kiwan đến Bỉ, anh sống cuộc đời trốn chạy vì sống bất hợp pháp cùng mẹ mình.
Trong một lần truy đuổi, mẹ Loh Kiwan bị tai nạn giao thông và qua đời. Giữa đêm mùa đông, đường phố vắng vẻ, Kiwan bưng nồi nước sôi ra chỗ mẹ mất, ngồi cọ rửa vết máu còn bám cứng trên lộ.
Xem hình ảnh máu quyện với nước nóng chảy dần xuống cống, cái mong manh của xác thân này, sự tầm thường của kiếp người mới xót xa làm sao.
Loh Kiwan là mẫu nhân vật kiểu Kafka, những kẻ dấn thân vào thế giới xa lạ, bất trắc, phi lý, phải đối diện với những thế lực luôn cố ý gạt mình ra khỏi đời sống, phải đứng trước những phiên tòa quan liêu lý tính lạnh lùng mà thiếu khả năng đồng cảm và thấu hiểu. Sự tồn tại của con người phải dựa vào bằng chứng và nhân chứng.
Cái phi lý của đời sống đeo đuổi đến kết phim, lúc Kiwan có giấy phép cư trú sau nhiều thử thách công khai lẫn ngấm ngầm.
Ở sân bay, anh lại chọn mua chiếc vé một chiều rời khỏi đất nước mà anh khó khăn lắm mới được phép ở lại. Vì sau rốt, anh nhận ra hai tiếng quê hương ấy sẽ ở bất cứ nơi nào có người anh yêu thương đang sống.
Tôi tên Loh Kiwan có thể giữ khán giả bằng những chi tiết như vậy. Nó cũng cho thấy thân phận của những người nhập cư, hành trình nghiệt ngã mà họ phải kinh qua trước khi tự tìm cho mình một chỗ trong xã hội mới.
Trong một thế giới được tuyên bố là đã “phẳng” rốt cục nhân loại ở muôn nơi có khả năng chấp nhận nhau đến mức nào?
Tôi tên Loh Kiwan xét trên phương diện nào đó cũng thành công nhất định.
Nó cho thấy Song Joong Ki thoát khỏi hình tượng mỹ nam giàu có lấp lánh của các phim truyền hình để thành một người bị đẩy xuống tận cùng, phải lén lút ăn trong nhà vệ sinh công cộng và lục thùng rác sống qua ngày.