Ngày 18/7, Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần thứ 7 tại tỉnh Quảng Nam.
Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu gồm chánh án, phó chánh án, thẩm phán tòa án tối cao và các lãnh đạo, thẩm phán tòa án các tỉnh giáp biên của Việt Nam, Campuchia và Lào.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia là di sản vô giá đối với cả 3 dân tộc, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của 3 quốc gia.
“Chúng tôi luôn coi trọng, dành ưu tiên cao độ, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong đó, việc thành lập và duy trì cơ chế hội nghị tòa án các tỉnh biên giới 3 nước là mốc son trong lịch sử hợp tác, đặc biệt đối với lĩnh vực tư pháp, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa hệ thống tư pháp 3 nước”, ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà tòa án 3 nước đã đạt được thông qua cơ chế hội nghị này. Qua đó, mối quan hệ hợp tác tư pháp song phương, đa phương giữa 3 nước đã được củng cố, nâng tầm; nổi bật là sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của hệ thống tòa án ở tất cả các cấp, hơn cả là mối quan hệ gắn bó của các tòa cấp tỉnh trên khu vực biên giới.
Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, với vô vàn biến cố khó lường; những tổn thất còn sót lại của đại dịch; cộng hưởng với bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới trong việc phòng, chống tội phạm và giải quyết các tranh chấp dân sự xuyên biên giới.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Công Bính).
Đặc biệt, nhiều vấn đề mới nổi lên trong ASEAN nói chung và Đông Dương nói riêng khiến việc ưu tiên, quan tâm hơn nữa tới hợp tác quốc tế về tư pháp; đặc biệt là phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tòa án có biên giới giáp ranh trở thành vấn đề cấp thiết.
Trong bối cảnh mới, với nhiều yếu tố bất ổn đan xen, các hành vi buôn lậu, buôn bán người, buôn bán ma túy, rửa tiền, đánh bạc, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, chia sẻ thêm kinh nghiệm xét xử nhóm tội phạm này; đưa ra một vài sáng kiến mới trong phòng, chống các hành vi này phát sinh tại khu vực biên giới…
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về 4 chủ đề quan trọng: Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện thông cáo chung hội nghị lần thứ 6/2022; Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các tội phạm có yếu tố nước ngoài; Tăng cường tương trợ tư pháp giữa tòa án 3 nước và chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, đặc biệt là một số điển hình, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình tin tưởng với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao của các đại biểu, sẽ có những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đây cũng là cơ hội để tòa án các tỉnh giáp biên đánh giá sâu hơn những thành tựu đã đạt được, một số khó khăn và trao đổi thêm về cách thức, phương pháp hợp tác, đồng thời là cơ hội để hệ thống tòa án 3 nước tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị.
Tại hội nghị, Chánh án Tòa án Tối cao 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào ký Thông cáo chung lần thứ 7 thống nhất các nội dung đã thảo luận tại hội nghị, đề ra phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, hoạt động ủy thác tư pháp và tương trợ tư pháp giữa tòa án 3 nước.
Bên lề hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam hội đàm song phương với Chánh án Tòa án Tối cao Campuchia và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lào.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/toi-pham-co-to-chuc-xuyen-quoc-gia-dang-co-chieu-huong-gia-tang-20240718094001009.htm