Nhà dinh dưỡng học, Rhian Stephenson ở Anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Vogue: Khi tỏi được lên men, lợi ích của nó sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, mật ong đã được khoa học chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống tăng sinh, chống ung thư và di căn. Đặc biệt, từ lâu nó đã nổi tiếng với tác dụng giảm ho và làm dịu cổ họng.
Bản thân tỏi – khi cắt nhỏ hoặc đập dập, sẽ tạo ra các hợp chất lưu huỳnh như alliin, giúp tăng cường phản ứng của các tế bào bạch cầu chống lại bệnh, cùng với diallyl disulfide và s-allyl cysteine, có tác dụng chống virus, kháng viêm và kháng nấm.
Tiến sĩ Raj Arora, bác sĩ đa khoa đang làm việc tại Ấn Độ, cho biết tỏi, dù ăn sống, viên bổ sung hoặc lên men – đều đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, kể cả cảm cúm thông thường.
Tiến sĩ Arora cho biết thêm: Ngoài các đặc tính chữa bệnh của mật ong nguyên chất và tỏi, bạn còn được hưởng lợi từ một loại thực phẩm sinh học tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe đường ruột.
Cách làm tỏi ngâm mật ong
Chuyên gia dinh dưỡng McKenzie Wheeler (Mỹ) hướng dẫn cách làm như sau:
Cho tỏi đã bóc vỏ, cắt lát hoặc đập dập vào lọ thủy tinh đã được rửa sạch và làm khô.
Rót mật ong nguyên chất lên trên sao cho tỏi ngập hoàn toàn trong mật ong. Thông thường, tỷ lệ là 15 g tỏi cho 100 ml mật ong.
Đậy kín lọ, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Sau 3 ngày, bắt đầu mỗi ngày mở nắp lọ để khí thoát ra, rồi đậy nắp lại. Nếu thấy những bong bóng nhỏ trong mật ong, có nghĩa là tỏi đã bắt đầu lên men.
Sau khoảng 3 – 4 tuần, có thể sử dụng, mỗi ngày 1 muỗng canh mật ong (15 – 20 ml), theo Healthline.