Lấy tựa đề cho cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”, trong khi đó thế giới có câu “ Đứng trên vai người khổng lồ”, Uyên Phương có sư liên tưởng nào ở đây không?
Phương luôn tâm niệm: Không có công thức thành công mà chỉ có sự sáng tạo, giống như kiến thức về Marketing 4P. Đây cũng là điều mà Phương đã viết trong cuốn sách này. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc sử dụng Marketing 4P như thế nào để tạo hiệu quả thì còn tùy vào năng lực, tổ chức của từng doanh nghiệp.
“Vượt lên người khổng lồ” và “Đứng trên vai người khổng lồ” là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. “Vượt lên người khổng lồ” là thể hiện bằng hành động. Vượt lên có nghĩa là tôi đang phải nỗ lực rất nhiều khi cạnh tranh với ai đó và có lúc hơn, có lúc thiệt chứ không thể nói lúc nào tôi cũng đứng đầu.
Còn “Đứng trên vai người khổng lồ” gần như là vị thế góc nhìn, bởi vì mình đã trở thành người khổng lồ. Nhưng điều này là không thể, luôn có người khác lớn hơn và không ai lớn nhất đâu. Bởi lớn nhất rồi thì sẽ không còn mục tiêu để mình tiến tiếp.
Thực tế, trong cuộc chạy đua không phải lúc nào tôi cũng đi trước, đó là điều phi thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ trên “sân nhà” mà cả trên thế giới đang rất khốc liệt, bản thân Tân Hiệp Phát cũng đã phải tự nỗ lực cải tiến để để giữ vững vị trí của mình. Mặc dù liên tiếp khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, nhưng doanh nghiệp vẫn lèo lái để vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là ý nghĩa của tiêu đề “Vượt trên người khổng lồ”, cuốn sách Phương vừa ra mắt vào cuối tháng 8 vừa qua tại trụ sở của Forbes.
Quay lại với câu chuyện Tân Hiệp Phát từ chối khoản đầu tư hơn 2,5 tỷ USD của Coca-Cola cách đây 7 năm được Uyên Phương đề cập trong cuốn “Vượt lên người khổng lồ”. Quyết định từ chối thương vụ lớn như vậy có khó khăn với gia đình Phương khi đó?
Được sự tiếp cận của các công ty đa quốc gia là mơ ước của nhiều doanh nghiệp và Tân Hiệp Phát cũng từng mong muốn và hào hứng. Nhưng đến khi có sự mời chào chính thức của đối tác thì Tân Hiệp Phát thấy có một khoảng cách rất xa, đặc biệt là tài chính, tham vọng. Tân Hiệp Phát muốn đưa thương hiệu Việt ra thế giới, nhưng khi Coca Cola đưa ra điều kiện không được ra sản phẩm mới, chỉ quản lý ở các khu vực là Việt Nam, Lào và Campchia thì ba tôi (ông Trần Quí Thanh) thấy không thể thực hiện được.
Giữa 2,5 tỷ USD và đưa thương hiệu Tân Hiệp Phát ra thế giới, sau khi cân nhắc đắn đo giữa việc mong muốn được phục vụ, được tiếp tục thực hiện ước mơ, “sếp” Thanh bàn với gia đình có muốn tiếp tục cuộc chơi mà chúng ta đã đồng thuận với nhau hay không?
“Sếp” Thanh nhận thấy rằng, được phục vụ, được thực hiện ước mơ là cái mang lại giá trị nhiều hơn, tạo ra sân chơi và cho con người cơ hội mang lại điều gì đó ý nghĩa, chúng ta sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn và có thể làm cuộc chơi thú vị hơn.
Cuối cùng sếp Thanh quyết định lựa chọn con đường đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường.
Điều này cũng được Phương đề cập trong cuốn sách với nội dung “Lý do tại sao đưa ra quyết định đã không quá khó nữa”