Đạo diễn Trần Thanh Huy được biết đến với phim điện ảnh “Ròm”, gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Anh vừa trở lại với dự án phim truyền hình “Đi về phía lửa” lấy cảm hứng từ công việc của những người lính cứu hỏa.
Với bộ phim này, Trần Thanh Huy cùng ekip muốn tri ân sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ, những người lính cứu hỏa trên khắp cả nước đã không quản ngại gian khổ, vất vả, sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để dập tắt những đám cháy cũng như cứu hộ cho người dân.
PV: Điều anh trăn trở nhất khi làm phim “Đi về phía lửa là gì”?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Điều trăn trở nhất có lẽ là sự ám ảnh. Trong phim có rất nhiều tình huống về cháy hay tai nạn mà chúng tôi góp nhặt từ nhiều nguồn tư liệu thực nên mỗi khi thực hiện các cảnh quay, những sự kiện thực ùa về với tôi. Nhiều lúc rất căng thẳng và không biết rằng mình có nên quay cảnh này hay không có làm người nhà các nạn nhân đau lòng hay không.
PV: Phim truyền hình Việt lâu nay thường hấp dẫn khán giả bởi nội dung về tình yêu, gia đình. Anh có e ngại làm phim về lính cứu hỏa sẽ khô khan? Đâu là điều anh tự tin nghĩ rằng “Đi về phía lửa” sẽ được khán giả đón nhận?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Đối với tôi chỉ có bộ phim tốt và bộ phim không hay mà thôi. Và tôi vẫn tin nếu một bộ phim tốt sẽ được khán giả đón nhận. Mà muốn có một bộ phim tốt cần sự cố gắng rất lớn, không những của tôi mà toàn thể ekip làm phim.
Tôi nghĩ “Đi về phía lửa” có đầy đủ các yếu tố đời sống mà khi ai đã xem đôi khi họ sẽ thấy một phần mình trong đó.
PV: Nhà đầu tư sản xuất K+ đã đặt nhiều tâm huyết và tạo điều kiện tối đa để anh làm phim theo tiêu chí “cái gì thật mình làm, cái gì giả mình bỏ ra”. Anh có thể kể về cảnh quay công phu, tốn kém nhất?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Nhân đây tôi cũng cảm ơn nhà đầu tư và nhà sản xuất đã tạo mọi điều kiện cho tôi thực hiện nhiều điều tôi mong muốn.
Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao… Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô “không khác gì phim điện ảnh”.
Tất cả cảnh hành động trong phim đều phải tập dượt rất kỹ lưỡng, tôi tuyệt đối không cho phép việc làm liều trên set quay. Với các phân cảnh chữa cháy, cứu nạn, đoàn phim luôn nhận được sự hỗ trợ tư vấn của đội PCCC và cứu hộ cứu nạn PC07 TP Đà Nẵng
Và tôi nghĩ cảnh quay công phu nhất và tốn kém nhất chắc chắn là vụ cháy karaoke ở tập cuối cùng.
Với tôi đây là tập phim tiêu hao nhiều tiền của và công sức của tất cả ekip phim. Mọi điều khó đều có ở tập phim này.
Để tạo được sự đau thương tới một cách bình dị và lặng lẽ nhưng rất hào hùng của những người lính cứu hoả là điểm kết mà tôi cùng ekip dày công xây dựng cho bộ phim “Đi về phía lửa”. Hy vọng người xem có thể cảm nhận được và dành một sự đồng cảm về những người lính cứu hỏa.
PV: Anh có thể chia sẻ gì về “bóng hồng” duy nhất của đội lính cứu hỏa Hồ Thu Anh? Anh có yêu cầu đặc biệt gì với nữ diễn viên?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Lúc đầu khi chọn vai xong tôi có gặp toàn thể ekip phim và thấy Thu Anh là một diễn viên có tính cách nhẹ nhàng và bạn chấp nhận tất cả những yêu cầu tôi đặt ra. Tôi yêu cầu các diễn viên phải làm sao giống nhân vật nhất từ cách nói chuyện, đến màu da rám nắng. Và những ngày ở Đà Nẵng tôi thấy bạn chạy xe máy, mặc áo ngắn tay để da được phơi nắng, tôi đã biết bạn đang cố rất nhiều.
Vào những ngày tập luyện, nhất là đóng những cảnh phim quan trọng và mạo hiểm đặc biệt là tập cuối, yêu cầu về diễn xuất được tôi đặt ra một cách khó khăn, ép Thu Anh diễn trong không gian hẹp, diễn liên tục hơn 20 phút chỉ cho cảnh cận mà tôi nghĩ đó là cảnh đinh nhất của nhân vật Thanh Hà. Và tôi đã thấy được bạn quyết tâm tới cỡ nào.
Tôi tin Thu Anh sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
PV: Làm phim về lính cứu hỏa hẳn sẽ có mất mát, đau thương. Anh có e ngại bộ phim “đụng chạm” đến nỗi đau của những người từng trải qua biến cố?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Như tôi đã nói ở phía trên, lúc lên kịch bản tôi đã biết nếu làm không kỹ sẽ dễ đụng tới nỗi đau của những người trải qua. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, nếu chúng ta không tái hiện lại vậy những người chưa từng trải qua họ sẽ có một cách nhìn khác, biết sợ và từ đó có thể cẩn thận hơn, cố giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy nên tôi vẫn quyết định thực hiện bộ phim này.
PV: Trần Thanh Huy có phải một đạo diễn khó tính không? Quy tắc làm việc của anh là gì?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Nói thực tôi không khó tính nhưng tôi rất kỹ trong từng khung hình về tất cả thủ pháp kể chuyện hay về diễn xuất, mọi thứ xuất hiện trên hình tôi luôn muốn nó hoàn thiện nhất có thể.
Ekip thực hiện cùng tôi chỉ cần nắm được gu phim của tôi thì mọi việc rất dễ dàng, tôi luôn có phương châm làm điện ảnh là cùng nhau sáng tạo không phải chỉ mình tôi sáng tạo.
Tôi nghĩ nếu tạo nên không gian sáng tạo cho nghệ sĩ thì đó là lúc tôi nhận lại được rất nhiều điều.
PV: Anh từng trải qua khoảng thời gian khó khăn với bộ phim điện ảnh đầu tay là “Ròm”. Động lực gì khiến anh tiếp tục theo đuổi con đường làm phim?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Làm phim là sở thích, trở thành một nhà làm phim cũng là ước mơ của tôi, nên mỗi lần bước ra set quay, tôi đều cảm thấy hứng thú. Mỗi ngày được làm việc, được suy nghĩ, được sáng tạo với hình ảnh, âm thanh, với tôi đã là hạnh phúc. Tôi đã có 20 năm gắn bó với phim ảnh, kể từ lúc đi học cho tới khi làm nghề, việc làm phim trở thành một phần lớn trong cuộc sống của tôi. Tôi sẽ cảm thấy đau khổ lắm nếu như không được làm phim nữa. Vì thế cho nên dù khó khăn thế nào tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục làm phim. Những khó khăn là thử thách mà tôi phải vượt qua.
PV: Giành giải thưởng quốc tế với “Ròm”, anh vẫn chưa trở lại với dự án điện ảnh thứ 2. Liệu có khó khăn gì không?
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Nếu câu hỏi này đến với tôi cách đây 2 năm, tôi sẽ trả lời là rất khó khăn. Khi đó tôi phải vượt qua chính bản thân mình, vượt qua suy nghĩ liệu phim thứ 2 có tốt như phim “Ròm”.
Còn hiện tại, tôi đang khao khát quay lại với điện ảnh, nỗ lực hết sức để trở lại với bộ phim điện ảnh thứ 2 của mình trong thời gian sắp tới.
PV: Xin cảm ơn anh!