GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam hào hứng chia sẻ về tình yêu văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam – nơi ông coi là quê hương thứ hai.
“Sống ở Việt Nam thực sự là một trải nghiệm phong phú và tuyệt vời đối với tôi”, GS. TS. Andreas Stoffers chia sẻ. (Ảnh: NVCC) |
Trò chuyện với phóng viên TG&VN trong không khí náo nhiệt những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, GS. TS. Andreas Stoffers bày tỏ, ông thích ngôn ngữ du dương, sự cởi mở của người dân, sự năng động tuyệt vời của nền kinh tế, nền văn hóa và lịch sử phong phú của Việt Nam.
Được biết, ông đến Việt Nam từ năm 2009. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về cơ duyên với đất nước này?
Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào mùa Hè năm 2009, khi đó tôi còn đang làm việc tại ngân hàng Deutsche Bank. Tôi làm việc tại Hà Nội, với tư cách là thành viên ban điều hành của ngân hàng Deutsche Bank Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2012.
Có thể nói, tôi phải lòng Việt Nam từ những ngày đầu tiên đến đây. Tôi hoàn toàn bị thu hút bởi lịch sử, văn hóa và con người nơi đây.
Đối với tôi, việc nỗ lực học tiếng Việt ngay từ đầu là điều phải làm bởi đây là cách duy nhất để tôi hiểu và thực sự hòa mình vào văn hóa và con người của một đất nước.
Sau đó, tôi trở lại Đức và trở thành giáo sư ngành quản lý quốc tế. Ở Đức, tôi tiếp tục tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa Đức và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Cuối năm 2019, tôi kết hôn với một cô gái Việt Nam và tìm thấy cơ hội việc làm tại đây. Tôi đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia của Viện FNF Việt Nam tại Hà Nội. Sống ở Việt Nam thực sự là một trải nghiệm phong phú và tuyệt vời đối với tôi.
Cảm nhận của ông về đất nước và con người Việt Nam?
Từ khi còn bé, tôi đã bắt đầu quan tâm đến các nước châu Á. Sau này tôi tập trung hơn vào các nước Đông Nam Á. Tôi nghiên cứu kinh tế, lịch sử và quan hệ quốc tế và viết luận án tiến sĩ về lịch sử quan hệ Đức-Thái Lan.
Tại Việt Nam, tôi đã nghiên cứu rất nhiều về lịch sử và văn hóa. Không chỉ riêng lịch sử gần đây nhất – là cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam – mà còn là lịch sử hàng ngàn năm của đất nước. Tôi còn tìm hiểu đặc thù, thành tựu của các triều đại Lê, Trần, Trịnh, Nguyễn.
Tôi vô cùng ấn tượng khi tìm hiểu về sự trỗi dậy của Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với điểm nhấn là Đổi mới 1986 và trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư Đức, đặc biệt là những người từng sống và làm việc tại Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng to lớn của đất nước này.
Kể từ năm 2009, tôi đã xây dựng những mối quan hệ cá nhân, công việc và gia đình rất chặt chẽ với Việt Nam.
Có thể khẳng định, tôi tìm được quê hương thứ hai của mình, đó là Việt Nam. Tôi thích ngôn ngữ du dương, sự cởi mở của người dân, sự năng động tuyệt vời của nền kinh tế, nền văn hóa và lịch sử phong phú của Việt Nam. Và không thể không nhắc đến đến người vợ Việt Nam của tôi – người giữ một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.
Theo góc nhìn của ông, điều thú vị nhất khi sinh sống tại Việt Nam là gì?
Đây thực sự là câu hỏi khó với tôi bởi tôi chưa thể chọn được điều thú vị nhất trong vô vàn điều thú vị khi sinh sống và làm việc ở đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Đó có phải là lịch sử và văn hóa? Là phong cảnh tuyệt vời từ Bắc đến Nam: Những bãi biển trải dài 3 miền, miền Tây sông nước, đèo mây miền Trung, những ngọn núi phía Bắc? Hay là ẩm thực Việt Nam? Hoặc có phải là con người Việt Nam? Hay có thể là sự phát triển kinh tế và xã hội chưa từng có mà Việt Nam đã trải qua kể từ khi giành được độc lập và đặc biệt là kể từ thời kỳ Đổi mới?
Vâng, tôi nghĩ, điều thú vị nhất với tôi là sự kết hợp của tất cả những điều thú vị nhắc đến ở trên!
GS. TS. Andreas Stoffers trong chuyến du lịch Hà Giang. (Ảnh: NVCC) |
Ông đã đến thăm những địa phương nào tại Việt Nam? Điểm đến nào để lại ấn tượng nhất với ông?
Tôi đã đến thăm rất nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam và tôi vẫn sẽ tiếp tục khám phá những điểm đến mới mẻ tại đất nước xinh đẹp này.
Tôi đã đến những thành phố sôi động như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, chiêm ngưỡng những bãi biển tuyệt vời ở Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn và Mũi Né, ngắm nhìn sự hùng vĩ của Vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, tôi còn thưởng thức những nét đẹp văn hoá ở phố cổ Hội An, vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Sa Pa. Mỗi điểm đến đều để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng đặc biệt.
Có lẽ, điều khiến tôi nhớ nhất là chuyến hành trình bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến Sài Gòn. Cảm xúc của tôi như vỡ òa khi phong cảnh tuyệt đẹp của hành trình này dần dần hiện hữu trước mắt tôi qua ô cửa sổ tàu hoả.
Năm nay, ông có đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam không? Ông cảm nhận thế nào về ngày Tết ở Việt Nam?
Giống như những năm gần đây, năm nay tôi sẽ đón Tết ở Việt Nam. Tôi ăn Tết ở Hà Nội và ở miền Nam.
Quê vợ của tôi ở Mũi Né. Đó là lý do tại sao tôi đặc biệt vui mừng khi có thể đón Tết cùng gia đình, người thân của mình.
Tết Nguyên đán là một dịp đặc biệt của người Việt Nam, trong đó văn hóa Việt Nam được đặc biệt đề cao.
Những ngày trước Tết, mọi người thường trang trí những cành mai vàng, đào, cây quất và rất nhiều loại hoa khác nhau. Mọi người bận cũng rộn đi mua thịt, rau củ … để chuẩn bị những món ăn truyền thống. Có những gia đình thì chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa, “thay áo mới” cho ngôi nhà. Và người lớn thường chuẩn bị những phong bì đỏ dành cho các em nhỏ hoặc người lớn tuổi hoặc những vị khách xông nhà đầu năm.
Tôi rất thích không khí tại những ngày trước Tết, rất nhộn nhịp và náo nhiệt.
Tại Hà Nội, tôi thích xem mọi người chuẩn bị và “ăn” Tết. Tôi cũng yêu những ngày Tết yên tĩnh ở Mũi Né. Tại đây, tôi nói được tiếng Việt và có thể hưởng ứng cùng những câu chuyện của mọi người. Với tôi, điều này khiến niềm vui trong ngày những Tết tăng gấp đôi.
GS. TS. Andreas Stoffers tại một buổi hội thảo về du học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Những năm qua, cá nhân ông và FNF có nhiều hoạt động hướng tới giới trẻ Việt Nam như hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp, ra mắt sách “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân”… Ông có thể bật mí về những dự định của FNF và cá nhân ông tại Việt Nam thời gian tới?
Nhiệm vụ chính của FNF là phát triển quan hệ Đức-Việt Nam, thúc đẩy các ý tưởng về chủ nghĩa tự do và nền kinh tế thị trường. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi lựa chọn và hợp tác với một số đối tác Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị và hành chính thông qua các bộ, ngành, địa phương; hợp tác khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu; hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với các tổ chức trong nước…
Với FNF, tôi đặc biệt tập trung vào quan hệ công chúng và quảng bá ở Việt Nam và ở Đức. Như bạn có thể thấy, từ góc độ báo chí, FNF liên tục “phủ sóng” tại Đức và được giới doanh nhân Đức biết đến. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng đang quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thị trường Đức.
Năm nay, FNF sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nhân đặc biệt doanh nhân trẻ và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Cá nhân tôi, với tư cách là Giám đốc Quốc gia FNF tại Việt Nam, tôi cũng cam kết mạnh mẽ vì sự phát triển của Việt Nam.
Sau cuốn sách “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân” – một cuốn sách truyền cảm hứng, tôi sẽ thúc đẩy các dự án tiếp theo dành cho giới trẻ. Cuốn sách “Đánh bại lạm phát” của tôi dự định sẽ được ra mắt trong năm nay.
Năm 2024, tôi sẽ tập trung chủ yếu vào các chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh và giáo dục tài chính cho người trẻ. Đặc biệt, tôi sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với đất nước và con người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!