Có rất nhiều nghề có thể giúp nông dân thoát nghèo, tại sao ông lại chọn nghề ngân hàng với quá nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hiện nay?
Người chọn nghề hay là nghề chọn người, đôi khi chúng ta cũng không chủ động được. Có khi cả 2 chọn nhau sau đó phải có cái duyên mới đến với nhau được. Mỗi khi vượt qua được một giai đoạn khó khăn nào đó lại thấy mình hạnh phúc và trưởng thành hơn.
Đúng là ngành ngân hàng áp lực hơn vì đây là lăng kính phản ánh nền kinh tế. Khi kinh tế xấu đi, doanh nghiệp khó khăn, phá sản thì ngân hàng cũng khó khăn. Và ngành ngân hàng là cái rốn cuối cùng của hậu quả, kết quả hoạt động kinh tế – xã hội.
Phương châm sống của tôi trước những áp lực phải biết tự giải tỏa áp lực, giải tỏa áp lực bằng cách “không coi nó là áp lực”. Nếu có áp lực thì giải quyết bằng được, giải quyết xong là thôi, không có gì cản được tôi cả. Nên không bao giờ tôi coi đó là áp lực. Muốn làm được như vậy phải quy mọi sự về đơn giản và phải biết học thiền, tĩnh tâm, “chính tâm”.
“Cho con cái không gian để tự lập và coi con như bạn”
Thi thoảng tôi thấy ông kể về 2 cô con gái của mình đang du học bên Úc. Vậy ông làm gì để kết nối với hai cô con gái của mình?
Tôi có 3 đứa con, 1 trai và 2 gái. Tất cả các con tôi đều đang ở Úc. Tôi có quan điểm dạy con theo cách của người nước ngoài, tức là mình không đứng quá gần con. Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ chăm ẵm con quá mức, thấy con ngã là nâng dậy ngay.
Người nước ngoài họ cũng chăm con nhưng rất khoa học. Họ đứng từ xa và tôi cũng tập như vậy. Từ nhỏ, tôi cũng muốn có một khoảng cách nhất định với con để chúng tự lập. Thế nên, mặc dù các con ở nước ngoài, nhưng tháng nào cũng gặp, con không về thì tôi sang thăm.
Điều quan trọng, tôi luôn coi con như những người bạn của mình. Mà là bạn thì có thể nói chuyện suốt được. Thi thoảng tôi nhờ con cái tư vấn, “dạy” một số vấn đề và tôi thấy con rất thích. Cũng từ đó tôi thấy có nhiều thứ con cái hơn mình, thế là đã thấy… nhà mình có phúc vì con hơn cha.
Vậy ông dạy con cách tự lập bằng cách nào?
Một trong những cách, đó là tôi cho con tôi làm quen với tiền từ năm học lớp 2. Tôi thấy, nhiều sinh viên Việt Nam khi học bảng cân đối tài khoản, kể cả chuyên ngành là tài chính cũng rất lơ ngơ không hiểu bảng cân đối tài khoản là thế nào.
Lớp 2, con tôi đã cầm tiền để chi tiêu. Tôi đưa cho con tờ giấy và chia làm 2 cột: bên tay trái là sử dụng vốn, bên phải là nguồn vốn. Nguồn vốn là tiền bố mẹ cho, sử dụng vốn là con cái mua những món đồ mà mình thích như bảng, phấn, xe đạp… Cứ hàng tháng thì cộng lại sao cho cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn. Bây giờ thì các con tôi đều biết bảng cân đối tài khoản là thế nào và tính toán kinh tế rất nhanh.
Với con cái tuy xa mà gần, để cho con cái có không gian tự lập. Gia đình là hạt nhân quan trọng, mà quan trọng nhất đối với hai vợ chồng là con cái.