Ông có nói về mục tiêu hướng tới của Tân Hiệp Phát là trở thành công ty hàng đầu Châu Á về nước giải khát. Liệu Tân Hiệp Phát có thể đạt được mục tiêu đó không nếu vẫn giữ mô hình công ty gia đình?
Tôi nghĩ công ty gia đình tốt hơn công ty đại chúng. Vì công ty gia đình là của một nhóm người gắn bó với nhau về huyết thống sáng lập và họ sẽ yêu nó hơn. Khi công ty gặp khó khăn thì sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức để vực dậy.
Công ty gia đình có nhiều loại, những công ty gia đình quy mô bé quá thì chưa quản trị tốt nên có thể mọi người ấn tượng không tốt. Nói là công ty gia đình nhưng không phải 100% là người của gia đình. Công ty gia đình là công ty mà một nhóm người sở hữu tỷ lệ % vốn đủ để đưa ra những quyết định quan trọng đến vận mệnh công ty.
Công ty gia đình là công ty sở hữu trên tinh thần gia đình nhưng quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, các công việc, nhân sự được sắp xếp đúng, đúng người đúng vị trí. Không phải vì là con mình thì đưa vào vị trí điều hành, nếu không đủ năng lực vẫn cắt chức, làm được thì làm, người thuộc gia đình mình không làm được mà có tiền thì cho làm thành viên HĐQT.
Vấn đề nguy hiểm nhất của việc đưa doanh nghiệp gia đình lên sàn chứng khoán đó là nếu ta quản trị chưa tốt, tinh thần gia đình trong công ty chưa cao, rất dễ xảy ra nguy cơ một ngày có thể đối tác nào đó sẽ nhảy vào mua đủ lượng cổ phần để tham gia quản trị, chi phối hoạt động khiến công ty trở nên mất kiểm soát.
Theo tôi, công ty gia đình vẫn tốt hơn phi gia đình và nếu có quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán chỉ là do muốn huy động thêm vốn.
Hay như Heineken cũng là công ty gia đình tồn tại hơn 150 năm. Họ lên sàn chứng khoán để huy động thêm vốn, nhưng tỷ lệ sở hữu mang tính quyết định vẫn nằm trong tay một nhóm người.
Công ty Heineken được thành lập năm 1864 bởi chàng trai Gerard Adriaan Heineken trên cơ sở mua lại từ một nhà máy bia có tên là De Hooiberg (Haystack) tại thành phố Amsterdam, Hà Lan. Khi đó Gerard Adriaan Heineken mới 22 tuổi. Năm 1873 sau khi thuê Tiến sĩ Elion (sinh viên của Louis Pasteur) phát triển cho Heineken một loại men cho quá trình lên men đáy Bavaria, công ty HBM (Heineken’s Bierbrouwerij Maatschappij) đã được thành lập, và bia thương hiệu Heineken đầu tiên được sản xuất.
Vậy Tân Hiệp Phát có cần vốn không? Trong vài năm tới, liệu ông có đưa Tân Hiệp Phát niêm yết trên sàn chứng khoán?
Nếu cần vốn thì niêm yết trên sàn chứng khoán là một kênh tốt. Như mọi doanh nghiệp khác, Tân Hiệp Phát cũng cần vốn nhưng chúng tôi có nhiều cách để huy động. Hiện chúng tôi chủ yếu huy động vốn thông qua đối tác chiến lược.
Hiện tại, Tân Hiệp Phát đang phát triển nhanh nên không chỉ cần vốn, mà cần cả nhân sự, quản trị để phát triển công ty gia đình này thành công ty đa quốc gia, giữ được tầm nhìn cốt lõi.
Cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” của cô con gái cả Trần Uyên Phương giúp nhiều người hiểu hơn về quá trình xây dựng một doanh nghiệp thành công như Tân Hiệp Phát phải trải qua quá nhiều thách thức, đánh đổi. Nếu thời gian quay trở lại, liệu ông có chọn lựa lại một cuộc đời như đã sống?
Sống mà không có mục tiêu, lý tưởng thì không có ý nghĩa. Chúng ta mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi cho nên phải làm sao sống cho thực sự có ý nghĩa. Với cuộc đời, chúng tôi đã nỗ lực tối đa, đặt mục tiêu xa và nỗ lực thực hiện. Mỗi khi vấp ngã chúng tôi đều phải đứng lên và tiếp tục. Từ đó mà có được một số kết quả như ngày hôm nay.
Nếu được sống trở lại tuổi 20, tôi sẽ vẫn nỗ lực làm hết sức mình. Đối với tôi, cuộc sống có ý nghĩa khi mình được đóng góp, hoạt động có ích cho người khác, gia đình và xã hội.
Tôi vẫn thường nói với vợ và các con tôi: “Tuổi trẻ phải sống cho tương lai và tuổi già sống cho kỷ niệm”. Mình cứ nỗ lực hết sức để khi về già có chuyện để kể về những gì mình đã trải qua trong cuộc đời và đã nỗ lực như thế nào để cuộc sống có nhiều ý nghĩa.
Cho đến ngày rời khỏi cuộc đời này, mình cũng chẳng thể mang theo được gì nhưng nếu nỗ lực sẽ để lại sự nhung nhớ của những người xung quanh. Vì thế, tôi luôn sống hết mình, làm việc hết mình.
Cuộc đối thoại 40 năm về trước và kết thúc bằng một đám cưới giản dị của ông Trần Qúi Thanh và bà Phạm Thị Nụ, người đồng sáng lập Tân Hiệp Phát.
Cho đến ngày rời khỏi cuộc đời này, mình cũng chẳng thể mang theo được gì nhưng nếu nỗ lực sẽ để lại sự nhung nhớ của những người xung quanh. Vì thế, tôi luôn sống hết mình, làm việc hết mình.