Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, trước tình hình nắng nóng gay gắt và tình hình thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi các hồ đập, sông, suối và các công trình thủy lợi đầu mối đang ở mức thấp. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 18.095 đến 22.535 ha cây trồng có nguy cơ hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích thiếu nước tập trung chủ yếu ở đuôi kênh và các chân ruộng cao khó tưới.
Nông dân xã Quảng Lưu (Quảng Xương) chăm sóc rau màu vụ xuân hè.
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng và sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các công ty, đơn vị thủy nông thực hiện nghiêm túc các phương án tưới và chống hạn từ cuối vụ xuân đến vụ mùa 2023. Đồng thời, phân công cụ thể cán bộ theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, củng cố bờ vùng, bờ thửa để tránh mất nước gây thiếu nước cục bộ.
Diện tích cây trồng tại xã Trí Nang (Lang Chánh) nằm trong vùng có nguy cơ thiếu nước.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước; đóng, mở các cống ở các cửa sông hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn, tranh thủ tích trữ nước vào các ao đầm, kênh tưới, kênh tiêu đề phòng hạn cục bộ. Bên cạnh đó, các ngành và địa phương cần điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.
Lê Hòa