Chiều 17/9, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì Hội nghị Giao ban công tác tháng 8/2024 của Bộ. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, qua báo cáo, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là trong công tác xây dựng chính sách pháp luật. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao những nhiệm vụ các đơn vị đều cố gắng hoàn thành đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu và khẳng định được vai trò, vị thế của Bộ, của ngành tài nguyên và môi trường trong hệ thống chính trị, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chia sẻ với Hội nghị, Bộ trưởng cho biết do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh khu vực phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết nhằm đưa ra các giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy và giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7%, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện các nhiệm vụ được giao và đưa ra phương hướng, giải pháp thực hiện làm cơ sở để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm, trong nhiệm kỳ.
Báo cáo tại cuộc họp, thông tin về những công việc trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, ông Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, ngay từ đầu năm 2024, bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; trong bối cảnh khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu thời gian gấp; Lãnh đạo Bộ chưa được kiện toàn đầy đủ. Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt công tác, các hoạt động của Bộ được diễn ra ổn định, thông suốt. Các đồng chí Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cố gắng nỗ lực, thể hiện quyết tâm cao để triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Một số kết quả nổi bật như sau: Bộ đã chỉ đạo tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của Ngành tài nguyên và môi trường thực hiện các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ- CP54; Chương trình công tác năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chương trình, kế hoạch công tác khác.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các hồ sơ, tài liệu phục vụ Kỳ họp của Quốc hội, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ. Ngoài ra, Bộ đã chủ trì, tổ chức nhiều Hội nghị, lễ phát động lớn, quan trọng của Ngành.
Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đối với các nhiệm vụ lớn, trọng tâm, cấp bách: tổ chức triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản; hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời góp phần ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 (YAGI).
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế; Tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ các địa phương, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 03…
Báo cáo tại cuộc họp, trên cơ sở thống kê, theo dõi tiến độ thực hiện các đề án, Chánh Văn phòng Bộ ông Phạm Tân Tuyến cho biết, nhiệm trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến cuối năm 2024, Bộ cần tập trung thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng thể chế, chính sách trong đó tổ chức triển khai các văn bản của Trung ương; nhiệm vụ thuộc chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản QPPL theo Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2024 của Bộ đảm bảo chất lượng, thời hạn; Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trong đó bao gồm trả lời các kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng; Lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành, quốc gia; Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị của Bộ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; Khẩn trương tổng hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 hoàn thành trong tháng 9/2024; triển khai các công việc trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường; Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra.
Ngoài ra, Các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh thái độ làm việc của công chức, viên chức, người lao động theo quy chế làm việc; tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại
Tại cuộc họp, các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Lê Công Thành, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng chỉ ra một số tồn tại và đề nghị đơn vị chuyên môn cần nhanh chóng khắc phục, đưa ra những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức theo các quy định mới của Đảng và theo hướng tăng cường phân công, phân cấp; Thanh tra Bộ chủ động trong các công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đơn vị môi trường khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương dễ dàng hướng dẫn việc phân loại, thu gom rác thải ở thời điểm 1/1/2025 theo Luật Bảo vệ môi trường; Cục Biến đổi khí hậu sửa đổi văn bản để tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương hiểu rõ hơn về thị trường trao đổi tín chỉ carbon…
Ghi nhận những ý kiến của các Thứ trưởng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra một số tồn tại trong thời gian qua như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề án, định mức kinh tế – kỹ thuật cũng như việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội; công tác trả lời chất vấn của Quốc hội, giải quyết kiến nghị của cử tri chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn có mặt hạn chế; chậm phát hiện, tham mưu xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn; năng lực phản ứng chính sách chưa kịp thời; thực hiện một số thủ tục hành chính còn chậm…
Ngoài ra, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; Công tác chuyển đổi số, đầu tư công, giải ngân xây dựng cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng; Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi thực hiện chưa nghiêm…
Lãnh đạo các đơn vị biểu phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại để từ đó có những kế hoạch cho việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ có những kết quả tốt hơn nữa
Toàn tâm, toàn lực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ
Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh một lần nữa về vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sự nghiệp phát triển đất nước, khối lượng công việc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội giao cho là rất lớn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị từng Cục, Vụ, các cơ quan chuyên môn của Bộ cần thể hiện tinh thần toàn tâm, toàn lực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đưa ra 4 mục tiêu, yêu cầu, để các đơn vị của Bộ thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó: Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện mọi biện pháp, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bảo đảm hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, làm tiền đề để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ.
Tập trung cao độ cho công tác xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch thuộc ngành; tăng cường phân cấp, ủy quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, loại bỏ cơ chế xin – cho, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện nghiêm quy chế làm việc… Trong chỉ đạo, giải quyết công việc phải tuân thủ nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thẩm quyền, rõ kết quả, rõ chính kiến và rõ thời hạn”.
Theo dõi, nắm sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy.
Đối với những nhiệm vụ chính trị Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị theo phân công chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng hoàn thiện hồ sơ các đề án để trình cấp có thẩm quyền bảo đảm thời hạn.
Đối với nhiệm vụ xây dựng thể chế, các đơn vị tập trung cao độ để thực hiện, bảo đảm hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền toàn bộ các văn bản theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ trong đó có các lĩnh vực như Đất đai, Môi trường, Biến đổi khí hậu, Địa chất và Khoáng sản
Các đơn vị tiếp tục tập trung phổ biến, tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; kịp thời nắm bắt, tham mưu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh.
Về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trong đó bao gồm trả lời các kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng; báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong các công tác về tổ chức cán bộ, kế hoạch – tài chính, thanh tra kiểm tra, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thủ trưởng đơn vị phát huy tinh thần nêu gương trong chỉ đạo, điều hành, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Về hợp tác quốc tế, trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn, lên kế hoạch cho việc tổ chức Đoàn công tác tham dự Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29).
Ngoài ra, các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ và theo phân công tập trung cao độ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, trọng tâm là tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, bảo đảm hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đối với những lĩnh vực chuyên ngành, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo các đơn vị trong lĩnh vực Đất đai, Môi trường, Địa chất – Khoáng sản, Biển đảo, Tài nguyên nước, Biến đổi khí hậu, Đo đạc bản đồ và Viễn thám… tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, nhằm khai thác và phát huy được nguồn lực đất đai; kiểm soát và bảo vệ môi trường; chủ động dự báo, điều tiết linh hoạt các hoạt động trữ nước, điều tiết nước bảo đảm an toàn trong điều kiện bão, lũ; phát triển thị trường các bon tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ về đo đạc, bản đồ trong xác định, phân định biên giới, địa giới hành chính trên đất liền và trên biển; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển…
Với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, Bộ trưởng đề nghị lĩnh vực khí tượng thủy văn theo dõi sát sao diễn biến thiên tai, khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều. Cảnh báo trượt lở đất đá, xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá theo hướng tăng mức độ chi tiết để phục vụ công tác cảnh báo, di dời dân cư và các công trình ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao…
Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ rà soát, tham mưu sửa đổi, hoàn thiện Quy chế làm việc của Bộ và các quy định, quy trình giải quyết công việc có liên quan để bảo đảm hệ thống vận hành đồng bộ, thông suốt, chủ động ở từng khâu, từng tổ chức, từng cá nhân, từng công việc với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ kết quả, rõ chính kiến, rõ thời gian” để cá thể hóa tối đa trách nhiệm các đơn vị, từng cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, từ nay đến hết năm 2024, thời gian không còn nhiều trong khi đó khối lượng công việc còn rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, nỗ lực hết mình, Bộ trưởng mong muốn và tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành toàn bộ chương trình, kế hoạch công tác của Bộ.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/toan-tam-toan-luc-quyet-tam-cao-no-luc-lon-de-hoan-thanh-nhiem-vu-380170.html