Rạng sáng 9/5 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là một phiên thảo luận quan trọng để Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vào ngày 26/7 tới.

Theo Reuters, đại diện Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ cho việc trở thành một nền kinh tế thị trường. 

Bán lẻ và nhiều nhóm tại Mỹ ủng hộ

Đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam – Luật sư Eric Emerson từ Công ty Luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ) – khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không. Do vậy, Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường.

6 tiêu chí được Mỹ quy định bao gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.

Theo ông Eric, Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình theo các tiêu chí trên tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường. Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines.

Điều quan trọng hơn là Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023. Cơ hội hợp tác kinh tế giữa 2 bên rộng mở hơn bao giờ hết. Theo nhiều tờ báo của Mỹ, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất tại ASEAN những năm tới.

Trang Mondaq gần đây có bài viết đã đưa ra nhận định như vậy, dựa trên căn cứ thực tế và xác đáng như việc tăng cường đa dạng hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật đầu tư và chính sách kinh tế hiệu quả.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã nhiều lần nhắc tới Việt Nam như một điểm đến chiến lược đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện (friend-shoring).

VietMythutuongPHamMinhCHinhYellen TTXVN.gif

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9/2023. Ảnh: TTXVN

Hồi giữa tháng 3, thêm một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ với số lượng doanh nghiệp cao kỷ lục đã tới Việt Nam sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ. Phái đoàn kinh doanh do nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), làm trưởng đoàn, bên cạnh đó là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, đại diện US Eximbank, đại diện đặc biệt về thương mại và kinh doanh, Bộ Ngoại giao Mỹ…

Cũng theo Reuters, USABC là bên ủng hộ mạnh mẽ việc nâng quy chế cho Việt Nam. Ông Ted Osius khẳng định, Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Theo đó, “họ đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức”.

Cũng theo đại diện USABC, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng phát triển của nước này. Con số thực tế dòng vốn FDI “gốc Mỹ” vào Việt Nam rất lớn.

Nhóm nào quan ngại?

Theo Reuters, hiện các nhà sản xuất thép, người dân nuôi tôm ở duyên hải vịnh Mexico và nuôi mật ong của Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế “kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, các tập đoàn bán lẻ và nhiều nhóm kinh doanh khác ủng hộ động thái này.

Sở dĩ người nuôi tôm Mỹ phản đối vì cho rằng việc nâng quy chế như vậy sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, có một số lo ngại về việc ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Ông Jeffrey Gerrish, đại diện cho nhà sản xuất thép Steel Dynamics, cho rằng việc nâng hạng sẽ khiến làn sóng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh và là cửa để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.

Việt Nam hưởng lợi gì?

Theo Reuters, việc nâng cấp Việt Nam lên quy chế “nền kinh tế thị trường” trong một nỗ lực củng cố mối quan hệ kinh tế Mỹ – Việt. Việc này được ủng hộ bởi nhiều doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các thành viên Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN.

Theo đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nếu được nâng hạng lên thành nền kinh tế thị trường, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ được hưởng lợi lớn.

Hiện tôm Việt Nam phải chịu thuế cao. Năm nay, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ đã gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%.

Theo đó, nếu được nâng lên mức “kinh tế thị trường”, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm qua Mỹ sẽ dần được giảm mức thuế này theo thời gian, qua đó tăng khả năng cạnh tranh tại Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 9/5, nhiều mã cổ phiếu ngành thủy sản Việt Nam đã tăng khá mạnh. Những cái tên như Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp xuất khẩu tôm như MPC, FMC… được cho là sẽ hưởng lợi.

Trong chuyến thăm của phái đoàn doanh nghiệp cấp cao Mỹ hồi tháng 3, ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh đây là một kỷ nguyên mới giữa 2 nước, với mối quan hệ toàn diện và có nhiều khuôn khổ hợp tác. Qua đó thúc đẩy sự thịnh vượng cho khu vực, trong đó có Việt Nam, Mỹ và các thành viên khác của APEC. Đại diện Mỹ tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam trên thế giới.

Đánh giá về Việt Nam trong giai đoạn mới, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng, Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Mỹ và Việt Nam có một nền kinh tế năng động.

Về vốn FDI Mỹ vào Việt Nam, ông Ted Osius dự báo sẽ có thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Dòng vốn FDI hiện tại không chỉ được thể hiện như các con số thống kê mà trên thực tế có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua các nước khác như Singapore, như trường hợp Coca Cola.

Chia sẻ với VietNamNet hồi cuối năm ngoái, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, tăng tốc và đạt rất nhiều thành công trong 10 năm qua sau khi 2 bên thiết lập Đối tác toàn diện vào năm 2013. Trong 10 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã vượt con số 100 tỷ USD, tăng hơn 5 lần. Trong thập kỷ mới, hoàn toàn có thể kỳ vọng doanh thu xuất khẩu qua Mỹ sẽ lại tăng trưởng mạnh mẽ, có thể vượt con số 200 tỷ USD.
Kinh tế 2024: Sau khó khăn, sắp đến lúc hồi phục mạnh mẽ?Sau một năm khó khăn và nhiều biến động, triển vọng kinh tế đã sáng hơn và năm 2024 được dự báo hồi phục mạnh mẽ.