SGGPO
Sáng 18-11, tại trụ sở Bộ NN-PTNT (Hà Nội), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức triển lãm sản phẩm nông sản – OCOP và tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An”.
Tọa đàm về tiềm năng lớn của miền Tây Nghệ An do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì |
Với diện tích rất rộng lớn bao phủ 13,7 triệu km², dân số toàn vùng khoảng 1,237 triệu người, gồm nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh…, miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Nơi này cũng có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh Nghệ An, có tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Thế nhưng, theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, miền Tây Nghệ An lại là địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế, phát triển còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, tính liên kết thấp, chưa phát huy hiệu quả hạ tầng kinh tế từ tiềm năng thế mạnh nổi trội.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.
Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An, gồm: hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến…
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, qua trao trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Nghệ An, Bộ NN-PTNT sẽ chọn phía Tây Nghệ An để thí điểm các đề án mà bộ đã trình Trung ương, trình Chính phủ để có cái nhìn tích hợp đa tầng giá trị cho ngành nông nghiệp ở miền Tây Nghệ An.