Các khách mời tham dự tọa đàm bao gồm: ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM; ông Dương Vũ Thông – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. HCM; Nhà báo Đức Trung – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên; Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng – Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử; Nhà báo Đỗ Thiện – Trưởng Ban Truyền hình Đa nền tảng Báo Pháp Luật TP. HCM; Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ; Lãnh đạo Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam; TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM; Bà Nguyễn Thu Trang, Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của đại diện các cơ quan truyền thông và chuyên gia khác như ông Huỳnh Ngọc Duy – Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão; Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa – Giám đốc Văn phòng Đại diện TP. HCM, Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV); ông Nguyễn Khoa Hồng Thành – Chuyên gia công nghệ tiếp thị số; ông Lê Văn Phong – Quản lý kênh Youtube Phong Bụi và ông Bùi Thanh Bình – Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số).
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc cũng thay đổi rõ rệt. Do đó, chuyển mình theo xu hướng của bạn đọc là điều tất yếu mà các cơ quan báo chí phải làm, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ.
Hiện nay, các tòa soạn báo đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng, thay vì chỉ phát triển báo in, báo điện tử như trước đây. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội được các tòa soạn sử dụng gồm Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Lotus…
Song song với những cơ hội rộng mở, quá trình này cũng khiến các cơ quan báo chí gặp không ít thách thức như khó khăn về công nghệ, nhân lực, vấn đề bản quyền… và rất nhiều rủi ro khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan truyền thông có thể xây dựng hiệu quả các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh được với các kênh mạng xã hội khác bên cạnh việc bảo đảm tiêu chí, định hướng của tờ báo.
Lợi thế và rủi ro
Bàn về vấn đề này, nhà báo Đức Trung – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên cho rằng nền tảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay là đi mượn, nhà phát triển nền tảng chỉ cần thay đổi từ khóa có thể khiến các cơ quan báo chí “hoang mang”. Với thách thức như vậy, một cơ quan báo chí không làm một mình được, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt khác, ông cũng cho rằng rủi ro nữa là yếu tố khách quan trên mạng xã hội, đòi hỏi công nghệ mà không phải cơ quan nào cũng có nguồn lực để đầu tư, phụ thuộc vào yếu tố con người. Ông Đức Trung khẳng định: “Những người trẻ theo được sự thay đổi của công nghệ và có sức sáng tạo vô bờ nên cần tạo điều kiện để họ sáng tạo.”
Đi cùng với lợi thế phát triển truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, các cơ quan quản lí báo chí cũng cần hết sức chú ý đến rủi ro kèm theo. Theo nhà báo Đỗ Thiện – Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP. HCM, việc các cơ quan báo chí tham gia mạng xã hội sẽ có nhiều lợi thế. Trong đó, mạng xã hội mang về cho các cơ quan báo chí lượt tương tác, doanh thu. Ông cho rằng xu hướng chung hiện nay là đa số người dân tiếp cận tin tức của các cơ quan báo chí thông qua mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend (xu hướng), nắm được thị hiếu của người dùng mạng xã hội, từ đó bắt kịp được nhu cầu tin tức của người dùng.
Song song đó, báo chí tham gia các nền tảng mạng xã hội cũng gặp phải nhiều rủi ro. Đó là sự phụ thuộc của các cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng này. Việc người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin bài cũng dễ làm “mất chất”. Hiện nay, nhân sự của các báo chí cũng đang chảy về mạng xã hội.
Khẳng định thương hiệu từ thông tin kiểm chứng
Chia sẻ về vấn đề thách thức trong kiểm soát tin giả, nhà báo Nguyễn Chiến Dũng – Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử, ngay ở các cơ quan báo chí chính thống cũng gặp những khó khăn trong quản lý tin giả. Điển hình như thông tin hỗn loạn trong giai đoạn dịch COVID-19. “Những năm gần đây, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đặt câu hỏi: Nên đưa tít như thế nào? Khi đưa lên mạng xã hội thì phải sửa tít ra sao để thu hút? Vì thế, câu hỏi đặt ra là quản lý nền tảng mạng xã hội như thế nào?” – ông Chiến Dũng nói.
Từ thông tin trên mạng xã hội, phải kiểm chứng thông tin, khai thác theo hướng người dân tin tưởng để định danh. Tất nhiên, những thông tin này cũng “bắt trend theo mạng xã hội nhưng phải chuẩn.”
Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM khẳng định Sở đang xây dựng quy chế để xử lý đối với những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội. Ông cho biết Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh. Bên cạnh đó là siết chặt lẫn hỗ trợ để các cơ quan báo chí xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Thương hiệu này chính là những thông tin được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí. Dù mạng xã hội có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng.
Công nghệ là tương lai
Góp ý kiến trong buổi toạ đàm, về phía các công ty truyền thông, đại diện Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV) – ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩ cho biết nên đầu tư nguồn nhân sự lẫn công nghệ nhằm bắt trend trên mạng xã hội, từ đó chuyển tải nội dung mang tính bắt trend trên mạng xã hội. Khác biệt giữa truyền hình truyền thống và truyền hình nội dung chuyển đổi số là có công cụ bóc tách để xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng người xem, đếm được thị hiếu.
Dưới xu thế của thời đại mới với sự hoạt động sôi nổi của các mạng xã hội hiện nay ở Việt Nam, để phát triển nền tảng “triệu view” và đúng hướng với sự quản lý của nhà nước, báo chí phải phối hợp chặt chẽ với công ty công nghệ. Cần phối hợp quản lý dữ liệu, tận dụng dữ liệu ấy thế nào để đưa đến độc giả phù hợp nhất.
“Hiện nay, xu thế trí tạo nhân tạo không còn là trend nữa mà là tương lai, chúng ta sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để phân bố lại nội dung của mình, phát huy được công nghệ. Hiện cũng có các nền tảng tích hợp đa mạng xã hội lại với nhau để quản lý tốt nhất và hợp tác có đôi bên cùng lợi nhằm đem lại thông tin cho độc giả đúng và sâu hơn”, ông Huỳnh Ngọc Duy – Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão bày tỏ.
Về phía mạng xã hội tại Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok tại Việt Nam, cho biết TikTok Việt Nam có chương trình đồng hành với các cơ quan báo chí Việt Nam để đưa tin tức đến người xem. Trong đó, hỗ trợ các tài khoản TikTok về tính chính danh; TikTok có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật lẫn nội dung. Bên cạnh đó, TikTok cũng có những chương trình đồng hành với các cơ quan báo chí trong 1 số tuyến nội dung, từ đó kéo lượt tương tác về cho các cơ quan báo chí.
Giữa bức tranh toàn cảnh, TS. Vũ Toản – Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. HCM, cho biết công nghệ đặt ra những thách thức, lợi thế để phục vụ phát triển báo chí. Người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức, ở góc độ người đào tạo, TS. Vũ Toản cho hay trách nhiệm là rất quan trọng. Ông khẳng định cần hiểu rằng sự vận hành của báo chí liên quan rất lớn đến con người, con người tạo ra sản phẩm và hưởng thụ thành quả đó.
TS. Vũ Toản bày tỏ: “Chúng tôi nghĩ rằng hướng đào tạo ra nguồn nhân lực tham gia hoạt động có định hướng phát triển đa nền tảng như người được đào tạo phải nắm vững chủ trương, đường lối. Người học phải có phẩm chất, đạo đức, tinh thần chính trực, hướng đến hình mẫu lành mạnh.” Người làm báo, người làm truyền thông cần có sự hiểu biết mang tính chuẩn mực, biết lắng nghe nhiều hơn. Có được thông tin tốt thì hãy “lắng”, rồi hãy “nghe” thì mới đáp ứng được công việc.
Buổi Toạ đàm diễn ra với nhiều sự đóng góp sôi nổi của các bên tham dự, hướng đến mục đích cuối cùng làm sao để các cơ quan báo chí phát triển nền tảng mạng xã hội hiệu quả. Sự nỗ lực chung này cần sự chung tay, giúp sức và hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Phát triển báo chí trên các nền tảng mạng xã hội sao cho phù hợp với định hướng của thời đại mới, “bày” ra cái hay để độc giả chọn, phân loại thông tin để khai thác, phải làm ra những sản phẩm chất lượng nhất.
PV