Nhiều ý kiến tại tọa đàm nêu bật giá trị của công nghiệp văn hóa và những khó khăn cần được tháo gỡ, giúp lĩnh vực này phát huy tối đa tiềm năng để phát triển
Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?” do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 5-12. Làm sao để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian tới là vấn đề được các đại biểu tập trung mổ xẻ, trao đổi.
Phát triển đột phá từ công nghiệp văn hóa
Cuối tháng 5-2024, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030”. Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) TP HCM, các sở, ngành, hội cùng nhiều doanh nghiệp, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí tham dự.
Tại tọa đàm này, Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều thông tin mới về thực trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay; những điểm nghẽn, khó khăn và thuận lợi. Các khách mời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi, được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận.
Nhận thấy đây là vấn đề còn nhiều dư địa cần tiếp tục thảo luận, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Báo Người Lao Động quyết định tổ chức tọa đàm lần 2 với chủ đề: “Phát triển công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?”.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – người đã tham gia thiết kế, soạn thảo, tham mưu nhiều chính sách về công nghiệp văn hóa – nhìn nhận: Công nghiệp văn hóa giúp tạo đột phá trong việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian dài, chúng ta chưa đủ coi trọng văn hóa; cho rằng đây là lĩnh vực “cờ đèn kèn trống”, không tạo lợi nhuận, thuần túy liên quan đời sống tinh thần, đạo đức; không trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng sản phẩm văn hóa thực chất là hàng hóa, mà hàng hóa thì phải vận động theo thị trường, chú ý đến công chúng, phát triển thương hiệu, tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Lĩnh vực văn hóa cần tập trung nhiều vào phát triển công nghiệp văn hóa, không biến thành giáo huấn đạo đức mà hướng đến công chúng, nhằm tạo ra lợi nhuận, sử dụng tài năng sáng tạo, kết hợp nguồn lực văn hóa, kỹ năng kinh doanh để tạo ra dịch vụ văn hóa.
TS – nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, dẫn một ví dụ về nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc. Nhóm nhạc này tên tuổi vượt ra khỏi biên giới nước Hàn, thậm chí vượt cả châu Á để vang danh khắp thế giới. Nhiều khán giả, trong đó có giới trẻ Việt, đã sưu tập ảnh, mua album, tham dự các buổi hòa nhạc… của BTS. Nhóm nhạc này đã mang lại 5 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm.
“Dân số chúng ta đông hơn Hàn Quốc. Nhu cầu thụ hưởng văn hóa – giải trí, trong đó có âm nhạc, của người dân Việt Nam cũng rất lớn. Năng lực tổ chức sự kiện tại đất nước ta có thừa… Chúng ta có thể vượt lên với công nghiệp văn hóa, vậy tại sao không làm? Công nghiệp văn hóa là kinh tế đa lợi ích, không chỉ đem lại lợi ích vật chất mà còn nhiều thứ khác” – ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Đâu là những trụ cột?
Phát triển công nghiệp văn hóa không phải là câu chuyện ngắn hạn mà là hành trình lâu dài. Hiện tại, ngành văn hóa còn nhiều khó khăn, có những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
NSND Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết hội và Sở VH-TT đang cố gắng làm sao để lĩnh vực sân khấu của thành phố phát triển. Theo bà, cơ sở vật chất của sân khấu TP HCM không hiện đại nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ nhiệt huyết với nghề. Bà mong mỏi lĩnh vực sân khấu TP HCM có được sự hỗ trợ không chỉ từ phía nhà nước mà còn từ những nhà đầu tư theo hướng hai bên cùng có lợi.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa phải là con người và quan niệm của các cá nhân về tầm quan trọng của nghề. “Với tôi, ngành văn hóa kiếm được tiền để sống là rất tốt. Bởi lẽ, khi văn hóa phát triển thì sẽ “nhân lũy thừa” cho các ngành dịch vụ khác kiếm tiền” – ông nhận định.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết Thái Lan mở cửa chào đón các đoàn phim bằng chính sách miễn giảm thuế, hoàn thuế. Do đó, nhiều phim có bối cảnh Việt Nam nhưng lại chọn Thái Lan để thực hiện. Khi các đoàn phim đến Thái Lan, họ sử dụng dịch vụ, thuê nhân lực…, giúp nước này vừa học nghề vừa được trả tiền. Ông mong TP HCM cho phép nhiều người hoạt động văn hóa – nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới đến hoạt động để nhân sự tại địa phương có thể học hỏi, nhất là người trẻ.
Đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế – Hiệp hội Sân khấu thế giới, nhìn nhận trụ cột đầu tiên cần phải bàn tới là vấn đề cơ chế. “Nhiều năm qua, chúng ta phát triển theo hướng phong trào văn hóa thay vì đời sống văn hóa. Đây là cơ chế không phù hợp với công nghiệp văn hóa hiện tại. Đời sống văn hóa đúng nghĩa của xã hội công nghiệp văn hóa là cơ chế công bằng” – ông nhấn mạnh.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, chúng ta cung cấp kinh phí cho văn hóa chưa đúng, không mang lại sức bật cho ngành công nghiệp này. Dư địa của TP HCM còn nhiều; nhiều văn hóa bản địa cần được phát huy. Ông dẫn chứng cách làm của Úc, rằng tất cả chương trình của nước này hoặc của từng bang đều là mở ra cơ hội công bằng cho tất cả đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật.
Trở thành “ngọn hải đăng”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Phó trưởng Phòng Nghệ thuật – Sở VH-TT TP HCM, nhận xét ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm là nỗi trăn trở của những người làm văn hóa. Sở VH-TT TP HCM cũng đã có những đề án, chương trình nhằm giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, kinh phí, giấy phép…
TP HCM có nhiều tiềm lực, tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Sở VH-TT cũng là một trong những cơ quan tham mưu cho UBND TP HCM. TP HCM đang nỗ lực gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn nêu ra một số giải pháp cho những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, quan tâm tài năng sáng tạo, hoàn thiện hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghệ thuật nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; xây dựng thương hiệu đặc trưng của mỗi doanh nghiệp, địa phương; chú ý công nghệ mới, khai thác giá trị của công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa; đầu tư các lĩnh vực giáo dục, truyền thông… nhằm tạo ra sự quan tâm rộng rãi đến công nghiệp văn hóa…
Ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn công nghiệp văn hóa sẽ trở thành “ngọn hải đăng” dẫn dắt các ngành công nghiệp khác tại TP HCM phát triển vượt bậc.
Ông NGUYỄN MINH HẢI, Trưởng Phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM:
Phát huy vai trò của báo chí
Tôi cho rằng báo chí là một trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa. Báo chí vừa là một phần trong chuỗi sáng tạo vừa là kênh truyền dẫn tác động đa chiều trong hoạt động sáng tạo của công nghiệp văn hóa.
Báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, quảng bá, tôn vinh, lan tỏa, kết nối các chủ thể sáng tạo với công chúng. Báo chí cũng đóng vai trò phản ánh những mặt được và chưa được trong mục tiêu chung về phát triển văn hóa của thành phố.
Các doanh nghiệp cũng cần có sự liên kết với báo chí một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn, nhằm mang đến cho công chúng những thông tin bao quát về sản phẩm văn hóa. Muốn công nghiệp văn hóa phát triển, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động trong từng lĩnh vực văn hóa cụ thể.
K.Ngân ghi
Báo Người Lao Động cảm ơn các đơn vị, cá nhân đồng hành với chương trình: FUTA Bus Lines; Công ty CP Trung tâm Mắt Sài Gòn – HIKARI; Công ty TNHH The First Management; Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM; Công ty TNHH Âm nhạc IME; Thanh Thảo Production; TS Đỗ Tiến; Công ty LALALAND.
Nguồn: https://nld.com.vn/toa-dam-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-dau-la-nhung-tru-cot-dung-de-lo-thoi-co-196241205210106914.htm