Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực để Việt Nam không bỏ lỡ thời cơ trong việc phát triển công nghiệp văn hóa
Ông NGUYỄN HỮU ANH (CEO The First Management):
Con người là trụ cột lớn nhất
Năm 2023, ca sĩ Chi Pu của Công ty The First Management có cơ hội tham gia chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” của Trung Quốc cùng các nữ nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia. Chúng tôi trăn trở vì lúc này Chi Pu được nhìn nhận như đại diện của Việt Nam tại môi trường quốc tế. Không những phải thể hiện tốt nhất, làm khán giả quê nhà tự hào mà cô còn phải làm sao tận dụng cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Chúng tôi đã phối lại ca khúc “Đóa hoa hồng”, sáng tạo thêm các phần ở cả 3 ngôn ngữ: Việt – Anh – Trung, kết hợp sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Nhờ hiệu ứng của yếu tố giao lưu văn hóa thông qua ngôn ngữ và âm nhạc, màn biểu diễn của Chi Pu nhận được nhiều sự chú ý. Ngoài ra, chúng tôi cũng mang đến những chiếc áo dài làm quà tặng hay mặc những bộ trang phục của nhà thiết kế Việt Nam…
Sau chương trình này, những khán giả Trung Quốc yêu thích Chi Pu bắt đầu chú ý hơn đến văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Thậm chí, nhiều người còn bay từ Trung Quốc sang Việt Nam để dự fan meeting của Chi Pu. Bài đăng của cô trong vai trò đại sứ truyền thông Lễ hội Sông nước 2024 trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) cũng nhận được sự tương tác lớn.
Từ những kinh nghiệm này, chúng tôi nhận thấy việc quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua văn hóa, giải trí là rất quan trọng. Là CEO một doanh nghiệp tư nhân, tôi cho rằng con người là trụ cột lớn nhất, bao gồm nghệ sĩ và đội ngũ những người làm văn hóa.
Ông PHẠM ĐÌNH TÂM, Giám đốc điều hành Công ty IME Việt Nam:
Cần đầu tư cơ sở hạ tầng
Thực tế, nền công nghiệp giải trí/bán vé concert biểu diễn ở Việt Nam chỉ mới bùng phát và nở rộ từ sau Blackpink 2023. Trước đó, các show diễn ở Việt Nam gần như rất hiếm chương trình lớn, tầm cỡ, khó thể bán nhiều vé để đạt doanh thu cao.
Theo tôi, tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Việt Nam là nơi mà tiềm năng chưa được khai thác hết, dân số cũng cao hơn các nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Ngày càng nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam.
Thế nhưng, nếu có những show diễn lớn được thực hiện tại Việt Nam, những đơn vị tổ chức như chúng tôi lại đau đầu với câu hỏi: Tổ chức ở đâu khi các địa điểm đều có cơ sở hạ tầng rất cũ. Trong khi đó, những yêu cầu, đòi hỏi của phía đối tác luôn khắt khe, nếu không nói là khắc nghiệt. Khi không bảo đảm được yêu cầu về tính chuyên nghiệp trong tổ chức, muốn thực hiện những chương trình, lễ hội hoành tráng là chuyện rất khó khăn bởi sự e dè của đối tác.
Một vấn đề nhỏ mà không nhỏ, khiến các nhà tổ chức đau đầu và cũng rất nhiều lần kiện cáo nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, là cách tính tác quyền tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp Việt phản đối việc thu tác quyền và xảy ra kiện tụng kéo dài.
Bà THU HIỀN TRẦN, chuyên viên truyền thông:
3 yếu tố quan trọng
Một là nền tảng văn hóa. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phong phú, loại hình nghệ thuật rất đặc trưng, nhiều lễ hội dân tộc đầy màu sắc ở khắp các vùng miền…
Hai là cơ chế, chính sách. Cần có hành lang pháp lý rộng mở, ưu đãi thuế để tạo cơ hội cho các công ty trong và ngoài nước.
Ba là con người. Cần đầu tư phát triển, bồi dưỡng nhân tài để có nguồn nhân lực phong phú, có thể hỗ trợ lẫn nhau. Cần tạo điều kiện cho giới trẻ phát triển. Những thế hệ đi trước có kinh nghiệm cũng cần có điều kiện để phát triển. Sự giao lưu giữa các thế hệ là điều rất cần thiết.
TS – nhà sản xuất ĐỖ TIẾN:
Hòa nhập nhưng không hòa tan
Gần 20 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài (Nga và Ukraine – PV), tôi nhận thấy giá trị cốt lõi của công nghiệp văn hóa là văn hóa dân tộc. Chúng ta cần hòa nhập nhưng không để hòa tan.
Biết bao lần, chúng tôi – những người xa quê hương – phải tự cùng nhau thiết kế lại không gian Tết xưa, tổ chức những trò chơi dân gian, những lớp học Việt ngữ cho con em thế hệ F2, F3 ở nước ngoài. Vấn đề quan trọng là làm sao để chúng tôi và con cháu mình, dù ở nước ngoài nhưng vẫn giữ được trọn vẹn văn hóa Việt.
Khi trở về Việt Nam, đôi lúc tôi lại thấy buồn vì nhiều người đề cao văn hóa du nhập mà xem nhẹ văn hóa cội nguồn. Nhiều người xem đó là điều tất yếu, cần làm để có thể hòa nhập, đồng điệu với thế giới. Nhưng với tôi, giá trị văn hóa cốt lõi chính là cội nguồn.
Thực tế đã chứng minh chúng ta có thể kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền từ văn hóa. Để có thể phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, có lẽ cần sự chung tay của cơ quan chức năng, cần sự tử tế của người làm nghề và cần sự thẳng thắn từ chối những sản phẩm văn hóa “xàm, nhảm” của công chúng.
Nguồn: https://nld.com.vn/toa-dam-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-dau-la-nhung-tru-cot-tiem-luc-cua-van-hoa-viet-rat-lon-196241205210621889.htm