Theo báo cáo của Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA), hiện cả nước có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng. Trong đó, có khoảng 298 công ty giống; 79 Trung tâm giống; còn lại là các hộ tư nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hệ thống cơ sở nghiên cứu giống bao gồm các viện, trường, trung tâm như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (có 19 đơn vị thành viên), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (có 13 đơn vị thành viên), Viện Nghiên cứu cây có dầu (Bộ Công Thương). Hệ thống các trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 6 trường Đại học Nông lâm nghiệp và Thủy sản, 52 Trung tâm nghiên cứu.
Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) vào 24/12/2006 đến năm 2021 đã cấp được 920/2015 bằng bảo hộ giống cây trồng mới; trong đó chỉ có 47 giống cây trồng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chọn tạo gồm 39 giống lúa, 4 giống ngô, 1 giống đậu tương, 1 giống lạc, 1 giống thanh long.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tham gia nghiên cứu là Tập đoàn giống cây trồng VINASEED, Công ty CP giống cây trồng miền Nam, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Tập đoàn Lộc trời, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, tập đoàn PAN FARM). Doanh nghiệp nước ngoài như Mosanto, Sygenta, Bayer, CP Đekab…
Các báo cáo tại Hội thảo bao gồm các nội dung chính như: Định hướng phát triển ngành giống cây trồng Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 – 2030; Các vấn đề liên quan đến giống và sản xuất giống cây ăn quả ở Việt Nam; Thực trạng sản xuất và nghiên cứu rau ở Việt Nam. định hướng công tác chọn tạo giống rau đến năm 2030; Thành tựu và công tác chuyển giao giống lúa vào sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long; Vai trò, thực trạng công tác giống hoa, một số kết quả nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống hoa phục vụ sản xuất của Viện nghiên cứu rau quả; Bảo hộ giống cây trồng Việt Nam; Chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp, HTX, nông dân đã trao đổi, thảo luận về kết quả nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại giống cây trồng ở Việt Nam, những khó khăn và đề xuất kiến nghị các giải pháp để chuyển giao hiệu quả các giống mới vào sản xuất.
Với định hướng trong những năm tới là nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ cây giống, hạt gống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại, đáp ứng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Áp dụng các công nghệ hiện đại kết hợp với công nghệ truyền thống. Ưu tiên sử dụng nguồn gen bản địa, đặc hữu của Việt Nam./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/toa-dam-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-chuyen-giao-giong-cay-trong-moi-vao-san-xuat-.aspx