Không ít người đàn ông từng nghĩ rằng việc “phụ giúp” vợ trong gia đình là đủ để thể hiện trách nhiệm. Nhưng điều đó có thực sự tạo nên một tổ ấm bình đẳng và hạnh phúc? Tại buổi tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” thuộc khuôn khổ chiến dịch Tô cam 2024, các diễn giả và tham dự viên đã cùng chia sẻ câu chuyện về việc sẻ chia trách nhiệm, lắng nghe và đồng hành để xây dựng một gia đình bình đẳng.
Bất bình đẳng giới trong gia đình và ngòi nổ mâu thuẫn
Áp lực sinh con trai – hệ quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ – không phải là câu chuyện cá biệt. Nó xuất hiện ở khắp nơi, gây ra căng thẳng trong các mối quan hệ của gia đình, dù đó là quan hệ chị em, vợ chồng, hay mẹ chồng nàng dâu.
Chị Nguyễn Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) đến với Tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về bình đẳng giới trong mối quan hệ với gia đình, bởi đó là thứ mà gia đình chị còn thiếu. Là con trong gia đình có 5 chị em gái và 1 em trai. Từ khi còn nhỏ, chị và các chị em gái khác đã cảm nhận được sự ưu ái đặc biệt của bố mẹ dành cho cậu em út khi người em trai luôn được dành cho những đồ mới, đồ ngon so với những người con còn lại. Điều này khiến chị lớn lên với một áp lực luôn phải cố gắng gồng mình tỏ ra mạnh mẽ như một người con trai, cố gắng làm được tất thảy mọi việc bởi cho rằng đấy là cách duy nhất để được bố mẹ công nhận.
Bất bình đẳng trong gia đình còn được thể hiện ở sự phân công công việc giữa các thành viên. Câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã ghim sâu vào nhận thức của nhiều thế hệ. Câu nói tưởng chừng như vô hại này lại chính là một khuôn mẫu giới cần phải xóa bỏ vì nó khiến cả người vợ và người chồng phải sống trong những gánh nặng mà đôi khi chính họ cũng không nhận ra.
Trong khi người vợ phải hy sinh sở thích, sự nghiệp cá nhân vì trách nhiệm vun vén, quán xuyến toàn bộ công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người chồng cũng phải đối mặt với áp lực “Đàn ông không được khóc, phải kiếm thật nhiều tiền nuôi vợ con.”
Những áp lực tích tụ lâu dài khiến người vợ, người chồng cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình, đồng thời tạo ra một vòng lặp nguy hiểm: sự im lặng và những bất mãn dồn nén chờ ngày bùng nổ, đe dọa tới hạnh phúc gia đình.
Tọa đàm truyền đi những thông điệp cam và lời cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới. |
“Tôi từng chứng kiến một gia đình tan vỡ vì thiếu đi sự thấu hiểu chung giữa hai vợ chồng. Người chồng kỳ vọng người vợ phải quán xuyến mọi việc trong gia đình bởi mình đã gánh trọng trách kiếm tiền, trong khi người vợ kỳ vọng chồng có thể chia sẻ việc nhà với mình,” nhà báo Trương Anh Ngọc, một trong những diễn giả của tọa đàm, chia sẻ.
“Vậy đâu là giải pháp để duy trì một gia đình với hạnh phúc đích thực, để ngôi nhà thực sự là tổ ấm bình yên, là nơi để về khi ta cảm thấy mệt mỏi?” – một tham dự viên đặt câu hỏi với các diễn giả.
Tôn trọng và chia sẻ: Công thức đơn giản nhưng bị lãng quên
Tại Tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới”, hơn 200 cán bộ nhân viên các công ty thành viên của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ gần gũi, thực tế của các diễn giả về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Tọa đàm do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp cùng Tập đoàn TH và Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (VNMENNET) tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch Tô cam 2024.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng: Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ LĐTB&XH; Nhà báo Trương Anh Ngọc; PGS. TS. Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Giảng viên cao cấp trường Đại học Luật, ĐHQGHN cùng các lãnh đạo của Tập đoàn TH, bao gồm: Bà Lưu Thị Thu Hiền – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH (THM), ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc nhà máy sữa TH. Phiên thảo luận thuộc khuôn khổ tọa đàm diễn ra dưới sự điều hành của bà Trần Hồng Điệp – Giám đốc VSF.
Trước những câu hỏi, những chia sẻ của tham dự viên về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, các diễn giả tại buổi tọa đàm đã đưa ra một câu trả lời không mới, nhưng lại là điều nhiều gia đình đang thiếu: sự tôn trọng và sẻ chia.
“Mỗi người nên đặt mình vào vị trí người khác để nhìn nhận những khó khăn đối phương đang gặp phải để từ đó có thể thấu hiểu nhau hơn” – ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà máy Sữa TH, chia sẻ.
Theo ông, sự thấu hiểu không chỉ giúp hóa giải những mâu thuẫn tiềm ẩn mà còn tạo nên cảm giác được trân trọng cho từng thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng sự sẻ chia không chỉ đến từ phía người chồng hay người cha. Người vợ, người mẹ trong gia đình cũng cần thấu hiểu những áp lực mà nam giới phải đối mặt, bởi họ cũng là nạn nhân của những định kiến giới.
Các tham dự viên thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm. |
Đồng quan điểm, bà Lưu Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc THM, chia sẻ rằng: “Nam giới thường bị kỳ vọng phải mạnh mẽ, gánh vác trách nhiệm kinh tế và che chở cho cả gia đình. Nhưng họ cũng cần được lắng nghe, được sẻ chia, và cần một chỗ dựa về mặt tinh thần”, bà nhấn mạnh, đây là cách để xây dựng một gia đình bình đẳng thực sự, nơi cả hai phía đều được thấu hiểu và cảm nhận sự an toàn cảm xúc.
Tuy nhiên, sự sẻ chia không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe. Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng nó cần được thể hiện qua hành động thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Ông chia sẻ quan điểm rằng bình đẳng giới không có nghĩa là đảo ngược vai trò – phụ nữ buộc phải kiếm tiền thay đàn ông hay đàn ông nhất định phải vào bếp.
“Bình đẳng giới là khi công việc trong gia đình được phân công một cách hợp lý dựa trên năng lực của mỗi người, để mỗi người đều cảm thấy vai trò của mình là công bằng và được công nhận,” ông cho biết. Đặc biệt, ông khẳng định rằng công việc nhà không phải là việc “giúp đỡ” lẫn nhau, mà là trách nhiệm chung của tất cả các thành viên, từ cha mẹ đến con cái.
Giáo dục từ gốc
Các diễn giả cũng đồng tình rằng sự thay đổi này không thể diễn ra chỉ trong một ngày. Nó cần được xây dựng từ gốc rễ, bắt đầu từ chính cách giáo dục trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Một cậu bé lớn lên với suy nghĩ việc nhà là trách nhiệm của mẹ và chị gái, hay một cô bé được dạy rằng phải luôn làm hài lòng người khác, sẽ khó có thể thoát khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc khi trưởng thành.
Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ việc giáo dục con cái trong gia đình cần bắt đầu từ sự độc lập. Ông nói: “Dù bạn có con trai hay gái, hãy dạy con biết làm tất cả mọi việc – từ nấu ăn, rửa bát đến dọn dẹp nhà cửa.”
Các diễn giả chia sẻ quan điểm về vai trò của tôn trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới. |
Ông cho rằng, việc dạy trẻ sự tự lập là yếu tố tiên quyết, không chỉ để chúng biết cách tự lo cho bản thân mà còn để hình thành tư duy tôn trọng giá trị của người khác, bất kể giới tính. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần giúp trẻ nhận thức được công việc trong gia đình không phải là “việc của mẹ” hay “việc của cha,” mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi thành viên.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh trách nhiệm nuôi dạy con cái không chỉ thuộc về người mẹ, mà cần có sự chia sẻ công bằng giữa cả cha và mẹ. Ông thẳng thắn bác bỏ quan niệm phổ biến “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” – một định kiến không chỉ đổ hết trách nhiệm lên người mẹ mà còn làm suy giảm vai trò của người cha trong gia đình.
“Đứa trẻ nào cũng cần tình yêu thương, sự đồng hành từ cả cha lẫn mẹ để lớn lên một cách toàn diện,” ông Đặng Hoa Nam khẳng định.
Như vậy, việc xóa bỏ định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới không phải là câu chuyện của một ngày, một năm hay chỉ của thế hệ hiện tại. Đó là hành trình dài, nhưng điểm bắt đầu có lẽ nên từ nơi gần gũi nhất đó là gia đình, và hành trình ấy cần sự chung tay của tất cả các thành viên dù là bố mẹ hay con cái.
Nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh dạy trẻ tự lập là yếu tố tiên quyết trong thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. |
Ngay tại tọa đàm, các đại diện nam giới của TH đã thực hiện nghi thức cam kết để thể hiện quyết tâm chung tay thúc đẩy bình đẳng giới. |
Tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” thuộc khuôn khổ Chiến dịch “Tô cam 2024 – Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do VSF, tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) phối hợp tổ chức. Thông qua các hoạt động như trang trí góc cam tại gần 100 văn phòng, chi nhánh trên toàn quốc, truyền thông trực tuyến trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội và truyền thông trực tiếp tại 25 cửa hàng TH True Mart, tổ chức các cuộc thi nội bộ, tọa đàm, xây dựng Quỹ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn. Chiến dịch hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực. Với thông điệp “Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam”, Tô cam 2024 nhấn mạnh vào kêu gọi sự tham gia của cả nam và nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/toa-dam-nam-gioi-tien-phong-hanh-dong-thuc-day-binh-dang-gioi-ban-ve-binh-dang-va-hanh-phuc-gia-dinh-298070.html