Ngày 18/10 tại Tòa nhà Liên hợp quốc tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Giới và báo chí, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Các đại biểu và phóng viên tham dự Tòa đàm Giới và báo chí tại Tòa nhà Liên hợp quốc, ngày 18/10. (Ảnh: PH) |
Tọa đàm “Giới và báo chí” do nhóm G4 (Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ tại Việt Nam) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo Nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Sự kiện đã tạo không gian để các nhà báo cùng chuyên gia về giới và báo chí tại Việt Nam và quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm.
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hide Solbakken nhấn mạnh, bình đẳng giới là quyền con người và đã được nêu trong các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Bà đề cập tới những quyền năng của báo chí, trong đó có khả năng định hình góc nhìn của độc giả trong các vấn đề, trong đó có bình đẳng giới.
Đại sứ Na Uy chỉ ra một thực tế rằng, khi đề cập vẻ ngoài của nữ giới trên báo chí, những nội dung thường được chú ý là diện mạo và trang phục, trong khi đây không phải là điều thường được đề cập trong bài báo về nam giới. Tất cả những khuôn mẫu giới này bắt nguồn từ tư tưởng trong xã hội về bất bình đẳng giới.
Do vậy, Đại sứ Na Uy mong muốn được nghe những kinh nghiệm, trải nghiệm của các nhà báo trong đưa tin về bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức, cũng như nhạy cảm giới cho các nhà báo đưa tin trong lĩnh vực này… để báo chí có thể sử dụng sức mạnh của mình thúc đẩy bình đẳng giới.
Phó đại diện thường trú đại diện UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cũng nêu bật vị thế của báo chí trong định hình nhận thức và quan điểm, cũng như trao quyền và truyền cảm hứng cho công chúng. Báo chí cũng đóng vai trò giúp đấu tranh cho bình đẳng giới, thông qua những bài đăng cân bằng, có nhạy cảm giới khi đưa tin về những vấn đề liên quan về giới.
“Báo chí đóng vai trò tác nhân của thay đổi, sự lựa chọn từ ngữ và hình ảnh của báo chí trong bài viết có thể định hình tiến trình hướng tới bình đẳng giới”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Tiến sĩ Minelle Mahtani chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm. (Ảnh: Thanh Hà) |
Tại sự kiện, Tiến sĩ Minelle Mahtani, Đại học Bristish Colombia, Canada – nhà báo, giáo viên dạy chuyên ngành báo chí từng giành nhiều giải thưởng đã chia sẻ những kinh nghiệm, thông lệ tốt về bình đẳng giới quốc tế.
Bà Minelle Mahtani cho rằng: “Nhà báo là tiếng nói của những người không có tiếng nói”. Do đó, nhà báo cần có kiến thức về giới, rất cẩn thận khi đưa tin bài về giới để thu hút sự chú ý của giới cũng như có cách tiếp cận để đảm bảo tính toàn vẹn, sự rộng lượng và độ cẩn trọng. Một bài báo khi nói về phụ nữ “phải nói về bản chất của người phụ nữ thay vì vẻ bề ngoài của người phụ nữ đó”.
Tiến sĩ Minelle Mahtani chia sẻ, tại nhiều tòa soạn báo ở Canada, mặc dù không có các bộ quy tắc cho phóng viên khi tác nghiệp ở khía cạnh giới, tuy nhiên, các phóng viên luôn được đào tạo, hướng dẫn khi tiếp xúc với các nhân vật là nạn nhân của bạo lực giới. Với các nạn nhân của bạo lực giới luôn cần cách tiếp cận mềm mại, sự đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho rằng, việc phóng viên báo chí hiểu biết về giới khi đưa tin là vô cùng quan trọng. Khi khai thác về một chủ đề nào đó trong xã hội, bên cạnh tiếp cận các ý kiến từ chuyên gia là nam giới thì việc tiếp cận ý kiến từ chuyên gia là nữ giới cũng rất quan trọng.
“Với công việc là Đại sứ Canada của Việt Nam, cách tiếp cận của tôi cũng cân bằng như vậy, tôi cũng thường xuyên tham vấn, trao đổi với các chuyên gia nữ khi muốn tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó của Việt Nam”, Đại sứ Canada chia sẻ. Theo ông Shawn Steil, nếu tiếp cận cân bằng như vậy thì sẽ nâng cao được tiếng nói của phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Tại tọa đàm, các nữ nhà báo từ Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô đã chia sẻ về những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trong đưa tin về giới trên báo in, truyền hình… tại Việt Nam.