Ngày 16/12, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm tham vấn với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lĩnh vực liên quan đến nội dung của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính – Ngân hàng, đào tạo giáo viên”.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 200 điểm cầu, với sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Học viện Dân tộc; đại diện các Sở GDĐT; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia…
Quang cảnh tọa đàm
Thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ GDĐT được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án trong năm 2025, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 1938/QĐ-GDĐT ngày 17/7/2024 thành lập Ban nghiên cứu, Tổ biên tập đề xuất xây dựng Đề án. Các thành viên đến từ nhiều Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học khác nhau có liên quan đến các đối tượng của Đề án. Đến nay, dự thảo báo cáo nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án đã cơ bản hoàn thiện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Đề án góp phần đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 – 2030; đề xuất và triển khai sau khi được phê duyệt các cơ chế chính sách, kinh phí thực hiện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại tọa đàm
Đề án sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, Đề án sẽ xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương và các tổ chức liên quan tại địa phương có cơ sở pháp lý và nguồn kinh phí để cùng phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; tạo môi trường đề xuất chính sách trợ giúp đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số cho cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đề án cũng phát huy và tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Phạm Ngọc Toàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ thực trạng đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số trong các nhóm ngành tại các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, theo thống kê, năm 2022 cả nước có 2.145.426 sinh viên đại học, trong đó có 125.414 sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 5,84%. Tổng số sinh viên đại học toàn quốc tốt nghiệp là 245.137 sinh viên. Trong đó, số sinh viên đại học người dân tộc thiểu số tốt nghiệp là 14.722 sinh viên, chiếm tỷ lệ 6,0%.
TS Phạm Ngọc Toàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ tại tọa đàm
Số lượng sinh viên, học viên sau đại học ngày càng tăng, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số còn thấp so với tỷ lệ chung của cả nước.
Tại tọa đàm, các đại tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về những nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; xây dựng, quản lý, phát triển chương trình đào tạo người dân tộc thiểu số trình độ đại học trở lên trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe (chủ yếu là Y khoa và Dược học), Công nghệ thông tin, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, đào tạo giáo viên; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi học; nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo đại học và các bên liên quan có tham gia vào quá trình đào tạo các ngành, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo người dân tộc thiểu số trình độ đại học trở lên; hỗ trợ học sinh phổ thông dân tộc nội trú được định hướng, tạo nguồn và hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số học tập trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực trên.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại tọa đàm
Đánh giá đề án không chỉ là một chương trình, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm phát triển bền vững cộng đồng dân tộc thiểu số, thể hiện vai trò to lớn của các cơ sở giáo dục đại học trong phát triển nguồn nhân lực vùng và đất nước, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Là một trong ba Đại học vùng, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, trong 30 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã cung cấp cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ và đất nước trên 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, với gần 33.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 268 cán bộ có trình độ tiến sĩ, trên 2.600 bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II và 122 bác sĩ nội trú. Trong đó, có trên 30% là người dân tộc thiểu số, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số như sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai các nghị quyết, khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng của người dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế; công tác hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số chưa được nhiều; khả năng tiếp cận thông tin, định hướng nghề nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở lõi nghèo, cơ hội tiếp cận với nền giáo dục trình độ cao còn hạn chế. Vì vậy, những nội dung của Đề án đã bám sát thực tiễn, bền vững, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước.
GS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; TS Phạm Ngọc Toàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì thảo luận
Là một trong những trường đại học có tỉ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số cao nhất, với hơn 50% sinh viên là người dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Chí Hiểu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho rằng, để nâng cao hiệu quả đào tạo, cần có những chính sách thu hút, tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho sinh viên theo các chương trình và đặc biệt là cần làm tốt công tác truyền thông hơn nữa, có chiến lược truyền thông sâu, rộng, đầy đủ và liên tục để thay đổi nhận thức chung của xã hội, để sinh viên theo học những nhóm ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai…
Về phía Sở GDĐT, với hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, đại diện Sở GDĐT tỉnh Lào Cai kiến nghị, cần tập trung, cụ thể hóa các chế độ chính sách để các em học sinh được đến trường; nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của các trường, nên ưu tiên những nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần, công tác xã hội trong trường học.
Đại diện Sở GDĐT tỉnh Hà Giang chia sẻ, cần gia tăng hiệu quả bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các hệ thống cơ quan Nhà nước tại địa phương; triển khai hiệu quả công tác cử tuyển; đào tạo cử tuyển phải gắn liền với quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn cán bộ của địa phương, của vùng…
Đại biểu chia sẻ tại tọa đàm
Cảm ơn các ý kiến đóng góp cho báo cáo nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án do nhóm chuyên gia và Vụ Giáo dục Đại học đã tiến hành xây dựng trong thời gian vừa qua, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GDĐT là cơ quan thường trực trong quá trình xây dựng Đề án, chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng chương trình kế hoạch triển khai các nội dung của Đề án theo từng giai đoạn và phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành mới; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10122