(MPI) – Ngày 03/12/2024, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Các động lực mới cho phát triển bền vững ở Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trao đổi thảo luận tình hình thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam thời gian qua, phân tích các động lực mới cho phát triển bền vững ở Việt Nam thời gian tới, cũng như những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các động lực mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển bền vững là xu thế tất yếu và là lựa chọn chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là định hướng xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Kết quả Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023 cho thấy, việc thực hiện các mục tiêu SDG tại Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong một số lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, tiếp cận điện năng … Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% năm 2016 xuống còn khoảng 3,2% năm 2023. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,689 năm 2016 lên 0,726 năm 2022, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số HDI ở mức cao kể từ năm 2019. Theo báo cáo phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2023, Việt Nam xếp thứ 55/166 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xếp thứ 2 sau Thái Lan. Năm 2023 quy mô GDP Việt Nam đạt hơn 430 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam phấn đấu đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện một số mục tiêu SDG nhưng việc thực hiện các SDG vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong bất bình đẳng, chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội. Tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua đã gây áp lực rất lớn lên môi trường. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Những tác động từ bên ngoài và hạn chế nội tại đã và đang kìm hãm sự tăng trưởng cũng như việc thực hiện các SDG của Việt Nam trong dài hạn. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển lớn hơn, bao gồm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế và giải quyết các rủi ro khí hậu.
Để có thể đạt được các mục tiêu SDG vào năm 2030 và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp, phù hợp. Việc khai thác và phát huy tối đa các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường các bon … là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển. Chuyển đổi năng lượng sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu các công nghệ mới, tạo thêm việc làm xanh, góp phần giảm phát thải carbon, thúc đẩy phát triển bền vững. Áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải.
Khái quát tình hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường, Viện Chiến lược phát triển đã có bài trình bày về những kết quả và hạn chế trong thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, phát triển bền vững ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Song thách thức, khó khăn còn lớn. Thời gian tới để phát triển bền vững đạt được những thành tựu to lớn hơn cần phải có những giải pháp đột phá, đồng bộ, một trong những định hướng giải pháp cần phải kể đến như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội và môi trường và lấy chất lượng xây dựng và thực thi các chính sách là trọng điểm, trọng tâm; Coi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và đẩy mạnh công tác truyền thông cho nhân dân trong việc xây dựng và nhân rộng lối sống xanh – hài hòa giữa tự nhiên, con người và xã hội với tư cách vừa là phương thức, vừa là nội dụng, vừa là động lực then chốt cho phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Tọa đàm, về phát triển thị trường các bon để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, phát triển thị trường các bon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý. Để tạo ra được tín chỉ các bon các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải. Phát triển thị trường các bon sẽ thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hướng tới phát triển nền kinh tế các bon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế tuần hoàn tạo động lực cho phát triển bền vững đất nước hay việc tạo động lực cho phát triển bền vững từ chuyển dịch năng lượng. Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích to lớn về tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các SDG đến năm 2030./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-4/Toa-dam-Cac-dong-luc-moi-cho-phat-trien-ben-vung-oc17esh.aspx