Sáng 26/10, trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2023, Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức cuộc họp mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á.
Cuộc họp mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á diễn ra tại khách sạn Melia Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tham gia sự kiện có ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Bernardino Moningka Vega, Chủ tịch luân phiên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC); ông Phil O’Reilly, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp OECD (BIAC) đồng thời là Đồng Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á; cùng hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp các nước OECD và khu vực Đông Nam Á.
Với chủ đề thúc đẩy đầu tư bền vững, các đại biểu đã tập trung đánh giá các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với Đông Nam Á, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách và biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư bền vững giữa các nước thuộc OECD và các nước Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, tình hình thế giới hiện trải qua nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp chưa từng có. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh thu hút đầu tư bền vững là một mục tiêu quan trọng, có ảnh hưởng lớn quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.
Sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu kéo theo những tác động tiêu cực đến sự phát triển thế giới. Do đó, mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp cần nỗ lực hài hoà giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Cuộc họp hôm nay là dịp quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp OECD và Đông Nam Á cùng trao đổi, nhận diện và định hình những xu hướng, cơ hội hợp tác đầu tư bền vững, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận với mục tiêu giảm thiểu tác động khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Đồng Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp OECD – Đông Nam Á Phil O’Reilly cho biết, trước chuyển biến xấu của tình hình môi trường, các bên cần tính toán và định hướng dòng đầu tư tốt hơn để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Ông Phil O’Reilly bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ OECD-Đông Nam Á, đặc biệt là việc Diễn đàn Bộ trưởng được tổ chức hai năm liên tiếp tại Hà Nội khi Việt Nam đang cùng Australia đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD nhiệm kỳ 2022-2025, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác của doanh nghiệp hai bên.
Đồng Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á tái khẳng định cộng đồng doanh nghiệp OECD cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển bền vững.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa đại diện ASEAN BAC và BIAC. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tại cuộc họp, ASEAN BAC và BIAC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo khuôn khổ cho tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.
Sau phần ký kết, các đại biểu tham gia hai phiên thảo luận là tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp và đối thoại chính sách công-tư về đầu tư bền vững. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Qua hai phiên thảo luận bàn tròn và đối thoại chính sách, các diễn giả, đại diện chính phủ, doanh nghiệp các nước OECD và Đông Nam Á nhất trí các biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên. Để biến các tiềm năng thành cơ hội, các chuyên gia khuyến nghị: Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển xanh, đào tạo kỹ năng và tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; tập trung phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất để thu hút các nguồn lực cho phát triển bền vững.
Chủ tịch luân phiên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN Pak Bernardino Moningka Vega trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, ông Pak Bernardino Moningka Vega – Chủ tịch luân phiên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN khẳng định, Việt Nam là hình mẫu đáng học hỏi ở Đông Nam Á khi nhìn vào những thành tựu mà nước bạn đạt được trong thời gian qua. Sắp tới, OECD và Việt Nam nên cùng hợp tác phát triển công nghệ, xây dựng khuôn khổ hành động chung để hỗ trợ tốt hơn quá trình chuyển đổi năng lượng và xu hướng đầu tư, đặc biệt là giúp cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và đóng góp vào quá trình này.