Azerbaijan vào tháng 9 đã tái chiếm khu vực Nagorno-Karabakh – khi đó do người dân tộc Armenia chiếm đa số kiểm soát mặc dù nơi này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Cuộc tấn công chớp nhoáng đã thúc đẩy cuộc di cư hàng loạt của hầu hết 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh sang Armenia.
Armenia cáo buộc Azerbaijan thanh lọc sắc tộc và yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế, tên gọi chính thức của Tòa án Thế giới, ban hành các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ quyền của người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh.
“Azerbaijan phải đảm bảo rằng những người đã rời Nagorno-Karabakh sau ngày 19 tháng 9 năm 2023 và những người muốn quay trở lại Nagorno-Karabakh không bị cản trở…”, chủ tọa phiên tòa Joan Donoghue tuyên bố.
Tòa án cho biết Azerbaijan cũng phải đảm bảo rằng bất kỳ người dân tộc Armenia nào vẫn sống trong khu vực này đều “không bị sử dụng vũ lực hoặc đe dọa có thể khiến họ phải chạy trốn” và yêu cầu Baku báo cáo lên tòa án trong vòng hai tháng để chứng minh những gì họ đang làm.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết, họ đã cam kết đảm bảo an toàn và an ninh cho mọi người dân, bất kể nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đồng thời không buộc người dân tộc Armenia phải rời Karabakh.
“Azerbaijan cam kết duy trì nhân quyền của cư dân Armenia ở Karabakh trên cơ sở bình đẳng với các công dân khác của Azerbaijan”, nước này nói trong một tuyên bố.
Năm 2020, sau nhiều thập kỷ giao tranh, Azerbaijan đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Karabakh lần thứ hai kéo dài 44 ngày mang tính quyết định, chiếm lại các lãnh thổ trong và xung quanh Karabakh.
Cuộc chiến đó kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian, trước khi Azerbaijan như đã biết vừa tấn công và chiếm lại toàn bộ lãnh thổ được quốc tế thừa nhận thuộc về họ nhưng đầy tranh chấp này.
Mai Anh (theo Reuters)