Trong cùng tuyên án, các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã tuyên bố Nga đã vi phạm một hiệp định chống phân biệt sắc tộc khi không cung cấp đủ hỗ trợ cho giảng dạy ngôn ngữ Ukraine tại Crimea sau khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.
Những quyết định này đặt ra một số trở ngại về mặt pháp lý cho Kyiv. Tòa án đã bác bỏ yêu cầu ra lệnh bồi thường của Ukraine, và chỉ yêu cầu Nga phải chấp hành đúng như hiệp định.
Đại diện của Ukraine ông Anton Korynevych nhấn mạnh, phán quyết lần này có tầm quan trọng lớn với Kyiv vì phán quyết này đã xác định Nga vi phạm luật pháp quốc tế.
“Đây là lần đầu tiên Nga bị xác nhận là phe vi phạm quốc tế một cách chính thức và hợp pháp”.
Ukraine đã đệ đơn kiện lên ICJ, hay còn gọi là Tòa án Quốc tế, vào năm 2017, với cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố khi đã tài trợ cho một số tổ chức ly khai thân Nga tại Ukraine.
Các thẩm phán của tòa án khẳng định, Moscow đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố của LHQ khi không điều tra các cáo buộc chính đáng về việc các khoản tiền tài trợ đã được gửi từ Nga tới Ukraine và có thể đã được gửi để tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Hội đồng 16 thẩm phán đã yêu cầu Nga phải điều tra những cáo buộc chính đáng về đầu tư cho hoạt động khủng bố nhưng đã từ chối yêu cầu ra lệnh cho Nga phải bồi thường thiệt hại từ phía Ukraine.
Tòa án đã từ chối tuyên án về các cáo buộc xung quanh vụ bắn hạ chuyến bay MH17, khẳng định những vi phạm về tài trợ cho khủng bố chỉ áp dụng cho các hoạt động đầu tư tài chính và tiền mặt, và không áp dụng cho hoạt động cung cấp vũ khí hay huấn luyện như các cáo buộc của Ukraine.
Ukraine cáo buộc Nga đã cung cấp hệ thống tên lửa sử dụng trong vụ bắn hạ chuyến bay MH17, nhưng đã không đưa ra cáo buộc về hỗ trợ tài chính xung quanh vụ việc này.
Trong một phiên điều trần tại tòa án ở Hague trong tháng 6 năm 2023, Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Ukraine về việc chính phủ nước này đã tài trợ và điều khiển các tổ chức ly khai thân Nga tại miền Đông, với khẳng định những cáo buộc này là hư cấu và “dối trá trắng trợn”.
Trong vụ án kéo dài bảy năm qua lần này, Kyiv cáo buộc Nga đã trang bị và tài trợ cho các lực lượng thân Nga, bao gồm các phiến quân đã bắn hạ MH17 trong tháng 7 năm 2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Vào tháng 11 năm 2022, một tòa án Hà Lan đã tuyên án tù chung thân đối với hai cá nhân người Nga và một cá nhân vắng mặt người Ukraine vì các dính líu tới vụ việc này.
Tại Crimea, Ukraine khẳng định, Nga đã cố gắng xóa bỏ văn hóa bản địa của người Tatars và người Ukraine. Tòa án đã bác bỏ các cáo buộc liên quan tới người Tatars nhưng nhận định Nga đã không cung cấp đủ hỗ trợ cho giảng dạy ngôn ngữ Ukraine.
Các tuyên án của tòa án mang tính quyết định và không tiếp nhận kháng cáo, nhưng tòa án cũng không có phương pháp thi hành các tuyên án này.
Trong ngày thứ Sáu tới, Tòa án Quốc tế sẽ xét xử một vụ án trong đó Ukraine cáo buộc Moscow đã lạm dụng Công ước về Diệt chủng năm 1948 để biện minh cho việc đề ra chiến dịch quân sự đặc biệt của mình vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)