Theo Reuters, công tố viên của ICC Karim Khan trong một tuyên bố đưa ra sau 7 tháng chiến sự tại Gaza đã tuyên bố ông có cơ sở phù hợp để tin rằng năm cá nhân này “chịu trách nhiệm hình sự” về những cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Ông cho biết ông đã đệ đơn yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Hai cá nhân này đã giám sát chiến dịch của Israel nhằm vào Hamas tại Gaza sau khi tổ chức dân quân Palestine trên đã tấn công Israel vào ngày 7/10/2023.
Khan cũng đã đệ đơn yêu cầu ra lệnh bắt giữ đối với lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar; Mohammed Al-Masri, tổng tư lệnh cánh vũ trang của Hamas, và thường được gọi với tên Deif; và Ismail Haniyeh, lãnh đạo Bộ Chính trị của Hamas.
Một hội đồng các thẩm phán trước phiên xét xử sẽ quyết định các bằng chứng có đủ để đưa ra lệnh bắt giữ hay không. Tuy nhiên tòa án này không hề có khả năng thực hiện lệnh bắt giữ có thể được đưa ra, và những cuộc điều tra của tòa án này xung quanh cuộc chiến tại Gaza cũng đã gặp phải sự phản đối từ Mỹ và Israel.
Israel và các lãnh đạo Palestine đã bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh, và đại diện của cả hai phe đều đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Khan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận định hành động pháp lý này là “vô cùng tồi tệ”, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhận định quyết định này có thể sẽ gây tổn hại cho nỗ lực thương lượng đề ra thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã phát biểu: “ICC không có thẩm quyền trên Israel hay Mỹ, và quyết định vô căn cứ và bất hợp pháp đưa ra ngày hôm nay cần phải bị lên án bởi toàn thế giới”.
Những cáo buộc
Khan đã phát biểu: “Israel, cũng như các quốc gia khác, có quyền hành động để tự bảo vệ công dân của mình. Tuy nhiên, quyền này không đồng nghĩa với việc Israel hay bất cứ quốc gia nào khác được miễn trừ trách nhiệm thực hiện đúng theo luật pháp nhân đạo quốc tế”.
Ông khẳng định đã có các cáo buộc cho rằng Israel đã gây ra tội ác chống lại loài người “trong những cuộc tấn công diện rộng có hệ thống nhằm vào công dân người Palestine chiếu theo chính sách quốc gia”.
“Theo những đánh giá của chúng tôi, những tội ác này vẫn diễn ra cho tới ngày hôm nay”.
Khan cho biết những bằng chứng mà văn phòng của ông đã thu thập được cho thấy Israel đã tước đoạt “nhu yếu phẩm tối quan trọng cho sự sống còn của con người” – bao gồm lương thực, nước sạch, thuốc men và năng lượng – khỏi thường dân một cách có hệ thống.
Các lãnh đạo Hamas đối mặt với những cáo buộc những cá nhân này chịu trách nhiệm về các hành vi mà Hamas gây ra.
ICC là tòa án tội ác chiến tranh quốc tế thường trực đầu tiên trên toàn thế giới. 124 nước thành viên của tòa án này có trách nhiệm bắt giữ những cá nhân bị truy nã nếu những cá nhân bị truy nã đang ngụ tại lãnh thổ của quốc gia thành viên đó.
Sự kiện bước ngoặt
Là một tòa án mang tính chất là biện pháp cuối cùng, ICC chỉ can thiệp khi một quốc gia không mong muốn hay không thể tuân thủ sắc lệnh. Israel đã khẳng định các cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Gaza đang được điều tra nội bộ.
Israel và đồng minh của mình là Mỹ không phải là nước thành viên của ICC, cũng như Trung Quốc và Nga.
Các nước thành viên của tòa án này trong quá khứ đã không thể bắt giữ những cá nhân di chuyển vào lãnh thổ các quốc gia trên, bao gồm cựu Tổng thống Omar Bashir, cá nhân bị truy nã từ năm 2005 với các cáo buộc diệt chủng và tội ác chiến tranh.
Nhưng trong trường hợp lệnh bắt giữ được đưa ra đối với các lãnh đạo Israel, các nước thành viên của tòa án bao gồm gần như toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu có thể sẽ rơi vào vị thế ngoại giao khó xử.
Reed Brody, một công tố viên kỳ cựu về tội ác chiến tranh, cho biết: “Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử công lý quốc tế. Trong suốt hơn 21 năm tồn tại, ICC chưa bao giờ truy tố một quan chức của một quốc gia phương Tây. Trên thực tế, không một tòa án quốc tế nào đã đưa ra quyết định tương tự kể từ phiên tòa Nuremberg (nhằm vào những đại diện của chế độ Đức Quốc Xã)”.
Các Bộ trưởng của Israel và đại diện của Palestine đã lên án quyết định này của công tố viên ICC.
Bộ trưởng Benny Gantz của Israel đã phát biểu: “So sánh giữa những lãnh đạo của một quốc gia dân chủ tự bảo vệ mình khỏi hành động khủng bố đáng khinh với lãnh đạo một tổ chức khủng bố khát máu là một hành động bóp méo công lý một cách nghiêm trọng và thể hiện rõ sự vô đạo đức trắng trợn”.
Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri khẳng định quyết định yêu cầu bắt giữ ba lãnh đạo Hamas của công tố viên ICC đã “đánh đồng nạn nhân với đao phủ”. Hamas đã yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt giữ nhằm vào những lãnh đạo của tổ chức này.
Ít nhất 35,000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Gaza, và các cơ quan cứu trợ cũng đã cảnh báo về nạn đói hoành hành cũng như sự cạn kiệt nguồn nhiên liệu và vật tư y tế tại đây.
Khoảng 1,200 người Israel đã thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công của Hamas nhằm vào miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ctv-toa-an-hinh-su-quoc-te-de-don-yeu-cau-ra-lenh-bat-giu-netanyahu-a664646.html