Tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa Agribank với khách hàng, góp phần thúc đẩy chuyển tải dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng đến tận tay khách hàng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất. Đến 31/12/2023, Agribank, Hội Nông dân Việt Nam (HND), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN) đang phối hợp quản lý, tổ chức hoạt động triển khai cho vay qua tổ vay vốn mạnh mẽ với hơn 63.000 tổ vay vốn (hơn 1,2 triệu thành viên), dư nợ cho vay đạt hơn 206.000 tỷ đồng tại nhiều khu vực trên cả nước như: Bắc Trung Bộ, Trung du Bắc Bộ, Miền núi cao – Biên giới, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Những con số thực tế này khẳng định thêm bước đi đúng đắn của Agribank gắn kết hoạt động ngân hàng với phát triển kinh tế xã hội địa phương nhất là trong hoạt động tín dụng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; thông qua việc phối hợp quản lý các khoản vay giữa cán bộ ngân hàng với các Tổ trưởng tổ vay vốn, Agribank nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến sự an toàn của khoản vay, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, các rủi ro ảnh hưởng đến khoản vay; sự tham gia của các Tổ trưởng vay vốn trong quá trình lập phương án/dự án vay vốn của các thành viên, công tác giải ngân cho vay, thu lãi khoản vay, quản lý khoản vay đối với các thành viên tổ vay vốn đã góp phần tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, mô hình cho vay qua Tổ giúp cho các hộ gia đình, cá nhân tiếp cận vốn vay và được Agribank cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh ít có điều kiện đến giao dịch với ngân hàng; kết quả tích cực của công tác cho vay qua tổ đã đóng góp có hiệu quả trong việc phát huy vai trò của Agribank trong thực hiện chính sách “Tam nông”, góp phần phát triển tài chính vi mô đối với hộ gia đình trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Việc phát triển hoạt động cho vay qua tổ còn góp phần cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, thông qua tổ vay vốn, khách hàng được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết thủ tục vay vốn, đảm bảo chấp hành quy định, quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng; bên cạnh đó việc giải ngân, thu nợ thông qua tổ vay vốn, tổ cho vay lưu động, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng theo lịch cố định tại các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại của khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng thuận tiện, dễ dàng hơn.
Hoạt động cho vay qua Tổ được Agribank tiếp tục triển khai mở rộng cả về chất lượng và quy mô, dư nợ tăng trưởng hàng năm, chất lượng tín dụng đảm bảo, tạo sự gắn kết giữa HND, HLHPN, Hội Cựu chiến binh, UBND, Đoàn thanh niên, Tổ dân phố, người dân, khách hàng với Agribank.
Thông qua tổ vay vốn, Agribank đã cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên của tổ gắn với mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm đa dạng về tín dụng, thanh toán, bảo hiểm cho khách hàng hộ sản xuất và cá nhân thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ vay vốn, đảm bảo hoạt động của tổ vay vốn được liên tục, có hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng vốn vay và các dịch vụ thanh toán của khách hàng gồm các sản phẩm dịch vụ: thanh toán chuyển tiền, thu hộ chi hộ, dịch vụ thẻ, mở tài khoản thanh toán, đăng ký SMS Banking, Agribank E-Mobile Banking, Agribank eBanking…, các sản phẩm dịch vụ của Agribank được các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở tuyên truyền sâu rộng, giúp khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của Agribank ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, thực hiện được mục tiêu của Agribank về phát triển khách hàng sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ trong giai đoạn mới.
Agribank tiếp tục phát triển hoạt động cho vay qua tổ vay vốn giai đoạn 2024 – 2025: cho vay qua tổ vay vốn tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị sự nghiệp để cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống cá nhân, cho vay hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng mức cho vay tối đa đối với các thành viên tổ vay vốn có điều kiện kinh doanh tốt, có nguồn thu nhập ổn định trả nợ ngân hàng theo phương án/dự án vay vốn; nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục triển khai cung cấp sản phẩm tín dụng và các giao dịch thanh toán, dịch vụ liên kết ngân hàng – bảo hiểm cho khách hàng giao dịch qua các kênh điện tử của Agribank.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các tổ vay vốn, Agribank đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp cùng các đoàn thể để thành lập các tổ vay vốn nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn; chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của người dân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đồng thời gắn mô hình ngân hàng hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm đa dạng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng; chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng tổ vay vốn…
Agribank là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank luôn chiếm thị phần lớn trong hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 12,5%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong các năm qua luôn ở mức khoảng 60% – 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
PV