Việc liên lết, phối hợp chặt chẽ giữa Agribank chi nhánh tỉnh Bạc Liêu với Hội Nông dân tỉnh trong việc đẩy mạnh cho vay qua tổ nông dân vay vốn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí và thời gian đi lại trong quá trình vay vốn…
Thiết lập kênh dẫn vốn hiệu quả
Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2021 – 2025, Agribank, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang tiếp tục duy trì hoạt động của tổ vay vốn ổn định, phù hợp với môi trường hoạt động kinh doanh trong từng vùng, miền và định hướng phát triển hoạt động tín dụng, sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Agribank cũng như nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lí vốn hiệu quả đến với khách hàng.
Đến 30/4/2024, số lượng hộ vay vốn thông qua tổ tại Agribank chi nhánh tỉnh Bạc Liêu là 2.265 hộ, gồm 172 tổ vay vốn với dư nợ 165,1 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ vay vốn có 14 thành viên; dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn là 960 triệu đồng; dư nợ bình quân trên 1 tổ viên là 73 triệu đồng.
Thông qua đó, Agribank đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận vốn một cách nhanh chóng và có hiệu quả, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; hạn chế tình trạng bán non hàng hóa, nông sản ở khu vực nông thôn. Đồng thời, giúp cho các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cho vay qua tổ giúp cho khách hàng tiết giảm được chi phí, thời gian đi lại. Vốn vay cũng được tổ trưởng tổ vay vốn theo dõi, giám sát, từ đó cơ bản tiền vay được khách hàng sử dụng đúng mục đích; việc đôn đốc thu nợ gốc, lãi được thường xuyên hơn và góp phần bảo đảm an toàn vốn.
Ông Dương Quốc Sử – Giám đốc Agribank tỉnh Bạc Liêu, cho hay, Agribank tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân để đẩy mạnh cho vay qua tổ, từ đó tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng cho vay qua tổ; triển khai cung cấp các sản phẩm tín dụng và các dịch vụ thanh toán, dịch vụ liên kết ngân hàng – bảo hiểm đến các thành viên tổ vay vốn…
“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả cao từ Tổ Nông dân vay vốn Agribank. Phấn đấu hàng năm, dư nợ cho vay qua tổ tăng 15% trở lên và số thành viên tăng tối thiểu 10% trở lên; tỷ lệ thu lãi đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1%/dư nợ cho vay qua tổ… Xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả từ tổ nông dân vay vốn, ít nhất mỗi huyện, thành phố, thị xã có 3 mô hình/năm” – ông Dương Quốc Sử nói.
Tiếp tục phối hợp để nguồn vốn đến đích
Ông Dương Quốc Sử cho biết thêm, thời gian tới, Chi nhánh sẽ tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Hội các cấp, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, Agribank tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa Agribank nơi cho vay, các cấp hội và tổ trưởng tổ vay vốn trong việc tuyên truyền lợi ích mang lại khi vay qua tổ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức giao ban định kỳ, kiểm tra, giám sát tình hình vay vốn của các tổ viên; triển khai, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm đa dạng về tín dụng, thanh toán, bảo hiểm cho khách hàng cá nhân thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ vay vốn, bảo đảm hoạt động của tổ vay vốn được liên tục, có hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng vốn vay và các dịch vụ thanh toán của khách hàng.
Ông Dương Quốc Sử nhấn mạnh, việc tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ phải gắn với việc bảo đảm chất lượng tín dụng, tăng trưởng số lượng tổ viên và số sản phẩm dịch vụ. Đồng thời, vận động tổ viên sử dụng các sản phẩm bảo hiểm như Bảo an tín dụng; bảo hiểm tài sản, vật nuôi nhằm hạn chế rủi ro trong nông nghiệp… Agribank kịp thời nắm bắt tình hình thị trường, khả năng sản xuất kinh doanh, nhu cầu vay vốn, thẩm định các điều kiện vay vốn, giải ngân khoản vay kịp thời, quản lý khoản vay và thu nợ theo kỳ hạn đã cam kết; chấp hành nghiêm túc quy định về hoạt động của tổ vay vốn, hạn chế rủi ro tín dụng.
Chia sẻ thêm về những lợi ích của việc cho vay qua tổ, ông Phan Văn Bá – đại diện Agribank khu vực Tây Nam Bộ cho hay, cho vay qua tổ vay vốn là chủ trương quan trọng được Agribank triển khai nhiều năm qua bởi tính chất ưu việt, tiết kiệm thời gian cho hộ vay và cán bộ tín dụng của Agribank; góp phần tạo thuận lợi trong việc phổ biến các chính sách tín dụng của Agribank, tín dụng về tam nông đến hộ dân kịp thời. Hiện, địa bàn Tây Nam Bộ có trên 2.400 tổ vay vốn thuộc Hội Nông dân quản lý với hơn 62.000 thành viên, dư nợ trên 7.500 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Bá nhấn mạnh thêm, việc cho vay qua tổ, hội nông dân vay vốn cần được quan tâm, phát huy hơn nữa trong thời gian tới bởi dư địa cho vay qua tổ ở Bạc Liêu còn rất lớn. Các tổ vay vốn cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay, xóa bỏ tâm lý e ngại khi tiếp cận vốn; nâng cao chất lượng, số lượng của hoạt động cho vay qua tổ. Bên cạnh đó, các tổ trưởng tổ vay vốn cần quan tâm bảo vệ thông tin khách hàng, hỗ trợ thủ tục vay vốn kịp thời để các hộ dân an tâm tiếp cận vốn vay. Qua đó, góp phần cùng Agribank tỉnh Bạc Liêu triển khai hiệu quả, kịp thời công tác cho vay qua tổ đến người dân trong thời gian tới.
Bình – Ly
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/to-vay-von—cau-noi-dac-luc-giua-nguoi-dan-va-ngan-hang-i376119/