Chiều 15/6, Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Thạch An về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Dự và làm việc với đoàn công tác về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Huyện ủy, UBND huyện Thạch An, các phòng, ban liên quan và 2 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gồm xã Đức Xuân, Vân Trình.
Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Thạch An được Trung ương phân bổ 741,095 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 685,398 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 25,377 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được phân bổ 28,981 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 232,827 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ 452,287 tỷ đồng. Năm 2023, toàn huyện được phân bổ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 210,518 tỷ đồng.
Đến nay, đã giải ngân được 48,785 tỷ đồng, đạt 19,2%. Trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 44,519 tỷ đồng, đạt 35%; vốn sự nghiệp giải ngân được 4,266 tỷ đồng, đạt 3%. Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (2021 – 2022), hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương còn gặp một số khó khăn, nhất là chương trình NTM nguồn lực hỗ trợ cho địa phương còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở còn chậm, nhất là việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách triển khai thực hiện…
Huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để huyện đầu tư thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nhất là hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương như: hồi, thạch đen, bí thơm… Xem xét chế độ chính sách về bảo hiểm y tế đối với người dân tại các xã đạt chuẩn NTM; tăng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị huyện Thạch An ưu tiên tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, cần rà soát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, xác định tính khách quan, hiệu quả và tính bền vững của từng văn bản hướng dẫn. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các nội dung văn bản hướng dẫn để các đơn vị, địa phương hiểu rõ, thống nhất thực hiện một số dự án, tiểu dự án… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng sai đối tượng, nhầm địa bàn; nâng cao năng lực đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp…
Địa phương triển khai chương trình cần tính toán đến tác động, hiệu quả và tính bền vững của các mô hình, tăng cường sự tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lập kế hoạch, bố trí vốn, tập trung nguồn lực quyết tâm thực hiện. Các sở, ngành, địa phương cần có giải pháp chủ động ứng phó những tác động ảnh hưởng đến quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tiến Mạnh