Triển khai từ tháng 5/2024 mô hình “Vận động ngư dân đem rác vào bờ” ở tỉnh Phú Yên đã cho thấy nhiều hiệu quả thiết thực: đã có 685 kg rác, chủ yếu là rác thải nhựa được ngư dân đưa về bờ; nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển ngày càng được nâng cao.
WWF: Cùng Việt Nam sống xanh và bền vững
|
WWF hỗ trợ tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh chuỗi cung ứng Mây bền vững
|
Mô hình do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên tổ chức tại 4 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh là: Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 1,1 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý dự án WWF Việt Nam, hầu hết rác thải phát sinh từ hoạt động của các tàu cá gồm rác thải sinh hoạt, ngư lưới cụ hỏng… không được thu gom mà thải trực tiếp xuống biển. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển. Hiện WWF Việt Nam phối hợp với các sở, ngành của Phú Yên xây dựng mô hình “Vận động ngư dân đem rác vào bờ” và ký cam kết với khoảng 500 chủ tàu tham gia mô hình.
Ngư dân thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) chuyển rác thải từ tàu cá lên bờ để đưa đi xử lý. (Ảnh: CTTĐT thành phố Tuy Hòa) |
Theo đó, sau khi ký cam kết, mỗi tàu cá ngư dân được WWF hỗ trợ thêm 2 túi lưới để đựng rác thải. Như vậy, mỗi chuyến đi biển ngư dân không chỉ mang về cá, tôm mà còn chở theo rác thải về bờ để tập trung xử lý. Các thùng rác tại điểm tập kết được phân loại đầy đủ để đựng rác thải nhựa, rác thải thông thường, rác thải độc hại. Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên sẽ đưa rác đến nơi tập trung để xử lý theo quy định.
“Đến nay, WWF đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ khoảng 1.000 túi lưới cho các tàu cá và hỗ trợ thiết bị lưu giữ rác thải tại 4 cảng, mỗi cảng 8 chiếc xe đẩy tay chứa rác loại 660 lít” bà Nguyễn Thu Trang cho biết.
Theo ngư dân Đào Duy Nam, chủ tàu cá PY91739TS ở phường Phú Đông, trước đây, ngư dân khai thác thủy sản trên biển thường chỉ tập trung vào công việc mà ít quan tâm đến bảo vệ môi trường biển. Rác thải sinh hoạt như chai nhựa, vỏ lon, bao nilon, ngư cụ hay đồ dùng hư hỏng đều bị vứt xuống biển với số lượng lớn. Sau khi được cán bộ WWF Việt Nam phổ biến, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, ông nhận thấy mình phải có trách nhiệm thực hiện các quy định bảo vệ môi trường chung trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển.
“Tôi cũng đã nhắc nhở anh em thuyền viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại và đưa rác vào bờ. Biển mang lại sinh kế cho ngư dân nên tất cả ngư dân cần gìn giữ môi trường biển trong sạch”, ngư dân Đào Duy Nam nói.
Ngư dân Trần Văn Lâm, chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá PY90118TS ở phường Phú Đông (thành phố Tuy Hòa) cho biết: Ngoài dụng cụ đựng rác do Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cấp phát, gia đình tôi còn trang bị thêm nhiều dụng cụ khác với mục đích thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, ngư lưới cụ bị rách, hư hỏng trên tàu để đưa về bờ. Chuyến biển vừa rồi tôi đã mang vào bờ hơn 20kg rác các loại, trong đó khoảng một nửa là chai nước, túi ni lông, lưới rách…
Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên mặc dù mới triển khai thực hiện mô hình “Vận động ngư dân đem rác vào bờ” trong thời gian ngắn nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng rất tích cực. Tính đến ngày 15/7, 92 tàu cá của ngư dân đã đưa vào bờ khoảng 685kg rác, chủ yếu là rác thải nhựa. Cán bộ tại các cảng cá cũng chú trọng tuyên truyền và bố trí vị trí tập kết rác thuận lợi để ngư dân thực hiện.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi xả thải ra môi trường biển. Mỗi ngư dân khi tham gia mô hình chỉ thực hiện những hành động nhỏ nhưng đã góp phần rất lớn bảo vệ đại dương xanh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
WWF Việt Nam khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu BĐKH tại Cà Mau và Bạc Liêu
Dự án Tăng cường khả năng chống chịu BĐKH của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển ĐBSCL mong muốn có thể tăng 120-150% năng suất tôm nuôi và nâng cao giá trị thương mại con tôm thông qua áp dụng các giải pháp thực hành sản xuất tốt hơn; đồng thời trồng mới thêm 60 ha diện tích rừng phòng hộ cũng như áp dụng quản lý rừng dựa vào cộng đồng bền vững cho gần 3.000 ha ở hai tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. |
WWF Việt Nam hỗ trợ Quảng Trị thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Ngày 2/10, tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam nhằm hỗ trợ quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/to-chuc-wwf-cung-ngu-dan-phu-yen-dua-rac-tren-bien-vao-bo-203583.html