Nhiều năm về trước, cứ vào vụ mùa, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại H.Đăk Hà lại kéo nhau nghỉ học. Những đứa trẻ đang ở tuổi đến trường nhưng lại thường xuyên phải ra rẫy, ruộng phụ giúp cha mẹ. Không muốn học sinh bỏ dở việc đến trường, năm 2012, H.Đăk Hà đã chỉ đạo các xã thành lập nhiều tổ chống học sinh bỏ học.
Những người trong tổ thường là trưởng thôn, bí thư chi bộ, chủ tịch hội phụ nữ, già làng, trưởng bản và người có uy tín. Nhiệm vụ của tổ là tham gia tuyên truyền cho những gia đình mà con em có nguy cơ bỏ học. Từ đó vận động các em đi học chuyên cần, không còn tâm lý ngại đến lớp.
Ông A Jem, Tổ trưởng tổ chống bỏ học thôn Kon Trang Mơ Náy (xã Đăk La, H.Đăk Hà), chia sẻ có những trường hợp học sinh theo cha mẹ lên nương rẫy làm việc rồi ở lại. Tổ chống bỏ học phải luồn rừng, leo núi tìm đến tận nơi để tuyên truyền. Khi nghe già làng, trưởng bản vận động, khuyên nhủ, gia đình mới cho con em đi học trở lại.
“Nhận thức được việc học rất quan trọng và cần thiết, giúp thoát khỏi đói nghèo nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động các cháu trong thôn, nhất là học sinh cá biệt. Thời gian qua, tổ chống bỏ học của thôn đã vận động được hơn 30 cháu quay trở lại trường học tập”, ông A Jem nói.
Không chỉ vận động học sinh, tổ chống bỏ học còn tuyên truyền bằng loa truyền thanh hay nhắc nhở phụ huynh quan tâm hơn đến việc học qua các buổi họp thôn. Nhờ vậy, bà con cũng chú trọng hơn đến việc học của con em, tỷ lệ chuyên cần ngày càng được nâng cao.
Tại xã Đăk Long (H.Đăk Hà), mô hình tổ chống bỏ học cũng được triển khai nhiều năm nay và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Ông A Luyh, Trưởng thôn Pa Cheng (xã Đăk Long), cho biết thôn có 4 tổ vận động chống bỏ học. Hơn 3 năm nay, các tổ chống bỏ học luôn được duy trì để giúp hành trình đến trường của các em học sinh thuận lợi hơn.
Ông Mai Văn Viên, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk La, cho biết năm học 2023-2024 trường có 765 học sinh, trong đó 489 em là người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay có 15 học sinh thường xuyên vắng học nên nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chống bỏ học đến nhà gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh, vận động các em quay trở lại trường học chữ và 15 em đều cam kết đi học trở lại.
Ông Viên chia sẻ, những năm học trước tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt khoảng 80%. Từ ngày chính quyền địa phương và tổ chống bỏ học vào cuộc, tỷ lệ chuyên cần được nâng lên, cơ bản đạt 93%, có thời điểm đạt hơn 96%.
Bà Lê Thị Nhung, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đăk Hà, cho hay qua hơn 10 năm thành lập, các tổ chống bỏ học trên địa bàn đã hoạt động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay trên toàn huyện đã có 10/11 xã, thị trấn triển khai mô hình này.