Với những nghệ sĩ, họ tìm về với gốm như tìm về với đất mẹ, mặc sức chìm đắm, mặc sức sáng tạo, mặc sức thả trôi những khao khát đến tận cùng… Cũng chính bên trong những cung bậc cảm xúc đó, họ đang trên đường tìm cho gốm sự hồi sinh diệu kỳ.
Các doanh nhân ngành gốm chiêm ngưỡng tác phẩm “Sinh” của tác giả Huỳnh Thanh Phú
1. Tôi lựa chọn tìm về trại sáng tác gốm sứ thường niên của Hội Gốm sứ mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ngày cuối cùng của trại. Tôi gọi đây là sự lựa chọn bởi tôi hoàn toàn có thể đến sớm hơn. Tôi khát khao gặp sự mới mẻ trong cái sự kiện tưởng chừng quen thuộc này. Cảm giác đầu tiên khi ghé Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long là hơi hụt hẫng, bởi ngày cuối cùng các nghệ sĩ tên tuổi đa phần đã hoàn thành tác phẩm trước thời hạn. Tôi tự trấn an rằng nếu lựa chọn từ những điều tử tế hẳn sẽ gặp những thiên duyên.
Dạo sang nơi trưng bày các tác phẩm đã hoàn thành, một không gian gốm không rực rỡ nhưng “gây mê” với người xem bởi kiểu dáng lạ lẫm; mộc mạc và cái duyên ngầm lôi cuốn cả những tay ngang nghệ thuật như tôi. Những sản phẩm độc bản, đầy tính ngẫu hứng tự nhiên biến ảo, không theo quy chuẩn đã tạo ra không gian đầy mê hoặc ấy. Một chiếc bình cách điệu được thổi vào đó tinh thần của người nghệ nhân tài hoa. Chiếc mặt người soi trực diện gửi vào bao quan niệm nhân sinh. Những hình người ngồi buông và ẩn ước tiếng thở dài…
Từng tác phẩm chưa nung, chưa tráng men, gốm không đều đặn, mà phủ chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ để trống, chỗ khác lại nhỏ giọt thả buông, tạo nên sự gợi cảm chiều sâu tinh tế. Mỗi tác phẩm đôi khi chỉ là sự cách điệu, tạo điểm nhấn bằng vài ba chi tiết đơn giản, hoặc một vài màu nền nã, nhưng hiệu ứng cao. Ở không gian đó, người xem được chiêm ngưỡng cá tính sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và cái hồn xưa cũ tựa hồ những vết thời gian loang lổ đủ gợi hoài cảm, rung động. Qua bao bận biến thiên của gốm, càng cho ta thấy khả năng sáng tạo của con người là vô tận.
2. Chúng tôi dừng lại bên bức tượng Đạt Ma sư tổ, người sáng lập môn phái Thiếu Lâm của tác giả Nguyễn Văn Trung, Hội viên Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn. Bức tượng ấy là một sự cụ thể hóa đến tường tận những đường nét mà tôi cảm nhận được tác giả đã thuần thục nhân vật Đạt Ma sư tổ rất sinh động và đầy mỹ cảm. “Tôi có niềm đam mê mãnh liệt với mỹ thuật Phật giáo, đặc biệt là tạc tượng phật. Có lẽ tôi có duyên sâu dày với lĩnh vực này và đặc biệt tượng đài Phật giáo là tâm huyết của tôi. Và với Đạt Ma sư tổ, tôi cũng đã đầu tư 6 năm nay. Vận dụng những kiến thức điêu khắc tự học cùng những nghiên cứu về nhân vật theo đúng triết lý: Muốn tạc tượng phật trong lòng phải có phật”, nghệ sĩ giải bày bằng sự tỉnh táo.
Với người nghệ sĩ này, trong các chất liệu của ngành mỹ thuật tạo hình, người làm gốm cần phải cần mẫn, chăm chỉ, sáng tạo. Khi sử dụng chất liệu gốm, cũng cần những kiến thức kỹ thuật vô cùng phức tạp, chưa nói gì đến chuyện chọn và chế biến chất liệu để làm thành sản phẩm thô. Trước đó, anh đã phải thử nhiều với chất liệu gốm và dĩ nhiên đôi khi phải trả giá đắt. Yêu nghề nghề chẳng phụ, cái giá để có sự thành công cũng là xứng đáng. Đến nay, với gốm, anh như người nắm được cái hồn cốt trong nghề, được giới mỹ thuật đánh giá cao. Anh có nhiều ý tưởng trong việc tạo ra những mẫu sản phẩm mới, làm rực rỡ thêm chất liệu giản dị, đủ tinh tế, dịu dàng trong chiều sâu nghệ thuật. “Say” gốm, dệt nhiều mộng mơ, nếm không ít quả đắng để có thể làm chủ được chất liệu theo bản lĩnh của một người không được đào tạo bài bản, anh càng thấm thía việc theo nghề đã khó mà đuổi theo chất liệu gốm lại càng khó hơn nếu không đem tất cả tình yêu, khát khao cống hiến vào đó.
Tác giả Nguyễn Văn Trung bên bức tượng Đạt Ma sư tổ
3. Kéo những người yêu gốm chạm đến sự say mê trong trại sáng tác lần này có lẽ là tác phẩm “Sinh” của tác giả Huỳnh Thanh Phú. Trước hết nó là cảm quan về thế giới, về nhân sinh, về quan niệm sống hiện đại đã tạo nên sự đồng cảm đến khôn cùng trong mỗi con người. Tuy vậy, đây lại là chủ đề không mới trong hội họa và điêu khắc, nếu không đến được với cái riêng nó dễ dàng đi vào lối mòn, một điều đáng sợ hãi trong nghệ thuật, nhất là với chất liệu khó như gốm. May thay, điều đó đã không xảy ra khi “Sinh” hấp dẫn người xem, bởi trong tác phẩm vừa bàng bạc phương Đông, vừa rất ấn tượng theo kiểu Tây phương. “Sinh” khéo “khoe” sự tinh xảo, kỳ công trong từng đường nét, vừa hồ hởi kể về chặng đường chinh phục đất và lửa, vừa ánh lên niềm tự hào và đam mê cháy bỏng với chất liệu gốm sứ.
Gương mặt anh Phú hiền lành, thuần hậu bao nhiêu thì “lửa” trong tác phẩm như khẳng định nghề gốm là học bằng tay, bằng mắt và cả cái tâm “ăn”, “ngủ” cùng gốm. Ngồi với chúng tôi, toát lên nơi anh là niềm khắc khoải, đau đáu cách điều tiết ngọn lửa, công nghệ nung để tác phẩm thật sự là tiếng lòng của anh đến với nhiều người. “Dù đã làm hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nhưng với tôi lần này khi “Sinh” vào lò tôi hồi hộp, nóng lòng, đó là cảm xúc độc nhất, chỉ có thể kiếm tìm ở gốm. Như cách tôi cũng đang mong chờ được tái sinh…”, anh thú nhận sự cuốn hút khó cưỡng từ chất liệu gốm.
4. Điều mà tôi và những người nghệ sĩ tại trại sáng tác chạm đến nhau nhiều nhất là muốn dành tất cả yêu thương, trân trọng cho doanh nhân Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long sau rất nhiều lần trại sáng tác gốm sứ diễn ra. Một con người mà đến những kẻ hoài nghi nhất cũng đủ tin rằng tình yêu anh dành cho gốm đủ lớn. Mỗi câu chuyện nghề của anh chính là tâm huyết để gầy dựng, tái tạo và trải mình cho sự hồi sinh của gốm sứ Bình Dương. Với anh, khao khát lớn nhất luôn là sản phẩm chạm tới trái tim khách hàng thì mới được “cắt nghĩa” là thành công. “Nếu chỉ thổi thương hiệu mà không chăm chút nền tảng sản xuất thì có bao nhiêu tiền cũng chẳng thể duy trì được cái thương hiệu ảo” là cách anh lý giải cùng chúng tôi ngày ấy khi sản xuất “hồi phục sau một trận ốm dài” Covid-19. Và, chính doanh nhân này đã và đang mở toang cánh cửa để gốm sứ “chuyển mình”, thu hẹp khoảng cách giữa các chất liệu nghệ thuật trong tâm thế mời gọi, chủ động.
5. Văn hóa sẽ còn lại sau tất cả. Câu chuyện những “lão làng” trong nghề gốm sứ Bình Dương hôm ấy đã thổi bùng lên khát khao kiến thiết lại “diện mạo” để nâng tầm thương hiệu gốm sứ Bình Dương sải cánh vươn mình ra thế giới. Và cái hồn của những trại sáng tác như hôm nay sẽ còn mãi bên trong lớp áo sáng tạo để thích ứng với cuộc sống hiện đại. Kỳ vọng rằng sự mạnh dạn “đánh” vào các dòng sản phẩm thiết yếu, thiên về gia dụng và trang trí, sự hòa quyện giữa hai yếu tố “ứng dụng” và “thẩm mỹ” tiếp tục tạo cho gốm sứ Bình Dương một hướng đi mới…
Trong tiết trời đầu hè, nắng hanh hao dịu dàng hong khô từng mẻ gốm mới, chợt nghĩ về mai sau, tôi thầm mong gốm Bình Dương có thêm những thế hệ sau âm thầm tiếp ứng, giữ lửa và không ngừng vươn xa.
Trước đây, nhắc tới gốm sứ người ta chỉ nhớ tới bát, đĩa và lọ. Nhưng ngày nay, gốm sứ đã khoác lên mình diện mạo mới đa sắc màu, từ đồ gia dụng đến đồ thờ cúng, trang trí… với hàng trăm đầu sản phẩm. Các dòng men mới cũng liên tục được thử nghiệm. Sự giao thoa tạo nên một khoảng mở để gốm sứ đến với cả phương Đông và phương Tây từ tính biểu đạt. |
TIỂU MY