(LĐXH) – Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2024 cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 16% so với kế hoạch 130.000 căn.
Đây là một trong những chỉ tiêu đạt thấp nhất trong các nhiệm vụ được quan tâm, mặc dù lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần đốc thúc và chỉ đạo nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Qua quan sát tại nhiều dự án ở TPHCM – một trong những địa phương từng đặt ra tham vọng phát triển số lượng nhà ở xã hội rất lớn, có thể thấy hầu hết các dự án sau lễ khởi công rầm rộ và triển khai một số hạng mục ban đầu khá ấn tượng, thì trong nhiều tháng qua đã rơi vào tình trạng “ngủ đông” vì nhiều lý do khác nhau.
Đơn cử như dự án tại phường Long Trường, TP Thủ Đức, do Công ty Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành công đoạn ép cọc thì mọi việc đột nhiên “khựng” lại. Trong khi ngay kế bên, dự án nhà ở thương mại MT EastMark với 5 block nhà cao tầng cũng do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư, khởi công gần như cùng lúc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Người dân quanh vùng nói rằng, chưa có dấu hiệu cho thấy dự án nhà ở xã hội sẽ tái khởi động.
Đây là một ví dụ điển hình cho thấy, mặc dù dự án đã có sẵn , được chính quyền ủng hộ với sự hiện diện của lãnh đạo TPHCM và TP Thủ Đức tại lễ khởi công, nhưng sau đó gặp vướng mắc và phải “đắp chiếu” tính đến nay là cả năm trời và vẫn chưa hẹn ngày trở lại.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những vướng mắc lớn là việc thực hiện gói vay ưu đãi cho loại hình nhà ở này hạn chế. Cụ thể, đến nay mới có 16 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo về thị trường bất động sản của Đoàn giám sát Quốc hội, việc triển khai nhà ở xã hội còn bị động, do nguồn vốn ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Vì thế, phần lớn dự án xây bằng nguồn vốn ngoài nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng.
Thật ra, việc đình trệ các dự án nhà ở xã hội xảy ra từ năm 2021, khi cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 580.109 căn, nhưng chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn; 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn; còn lại 415 dự án với hơn 412.200 căn đang gặp vướng mắc.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 9, Bộ Xây dựng cho biết việc phát triển nhà ở xã hội tại hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TPHCM còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu, dù nhu cầu rất lớn.
Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến năm 2025, nhưng thời điểm đó mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
TPHCM có chỉ tiêu xây xong 26.200 căn đến năm 2025, nhưng mới đạt khoảng 21% mục tiêu với 6 dự án đã cấp phép, khởi công (gần 4.400 căn) và 4 dự án hoàn thành (hơn 1.200 căn).
Sự trì trệ của các dự án nhà ở xã hội đã diễn ra trong thời gian dài, mặc dù Chính phủ luôn thể hiện rõ quan điểm ưu tiên tạo điều kiện để phát triển, nhiều địa phương cũng tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy.
Điều này cho thấy đã và đang tồn tại những rào cản mang tính hệ thống, khó phá vỡ, nếu không sớm được nhận diện và có biện pháp giải quyết một cách cơ bản đồng bộ, thì tình hình thời gian tới vẫn khó được cải thiện, giấc mơ an cư của người thu nhập thấp vẫn sẽ chỉ là… giấc mơ.
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 151
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/tinh-trang-ngu-dong-khung-lai-cua-cac-du-an-va-giac-mo-an-cu-20241216221940573.htm