Những thông tin trên được đưa ra tại Lễ ký Bản thỏa thuận chương trình hợp tác tăng cường năng lực Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật tại Việt Nam năm 2023 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Tổ chức FHI-360 tại Việt Nam diễn ra ngày 15/6.
Phát biểu tại Lễ ký kết , PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong thời gian qua để phòng, chống kháng thuốc, Việt Nam đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc tại giai đoạn 2013-2020; Bộ Y tế đã và đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc: như truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân và hậu quả Kháng kháng sinh; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sỹ, dược sỹ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm;
Thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; giám sát về nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dươc lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Mặc dù vậy, tình trạng kháng kháng sinh vẫn gia tăng và là một thách thức lớn của ngành y tế, đòi hỏi gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan và người dân đối với vấn đề này.
Hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 đang được trình Thủ tướng Chính phủ là nền tảng để triển khai các giải pháp, hành động để đạt được mục tiêu giảm tình trạng kháng thuốc.
Bản thỏa thuận được ký kết giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế và FHI-360, 2 bên sẽ cùng nhau cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu trọng tâm là củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc và từng bước triển khai các giải pháp để vượt qua các thách thức về kháng thuốc tại Việt Nam.
Các lĩnh vực hợp tác giữa 2 bên là: Thúc đẩy tiếp cận Một sức khoẻ trong việc chia sẻ thông tin và số liệu về giám sát kháng thuốc; Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc và sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực y tế.
Các hoạt động cụ thể, bao gồm:
– Tăng cường chia sẻ thông tin về giám sát kháng thuốc và sử dụng kháng sinh giữa Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan;
– Tăng cường chia sẻ kiến thức về kháng thuốc giữa các cơ quan đơn vị nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước;
– Đánh giá nhu cầu và xác định ưu tiên trong giám sát kháng thuốc;
– Tiến hành một số nghiên cứu và hội nghị chuyên đề về kháng thuốc;
– Tăng cường chức năng các phòng xét nghiệm tham chiếu về kháng thuốc;
– Tăng cường năng lực an toàn sinh học và an ninh sinh học cho các phòng xét nghiệm tham chiếu và các phòng xét nghiệm tham gia;
– Tăng cường chức năng các phòng xét nghiệm tham gia;
– Cải thiện mối liên kết giữa dữ liệu phòng xét nghiệm và kết quả giám sát lâm sàng.
– Tiến hành một số nghiên cứu và hội nghị chuyên đề về kháng thuốc.
Hiện tại Việt Nam vẫn còn diễn ra việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho vi sinh vật có khả năng chống lại thuốc và có thể trở nên “đa kháng” hoặc “siêu kháng thuốc”. Điều này đe dọa sự sống của con người và tạo áp lực lớn lên ngành y tế, dẫn đến những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và tài chính.
Theo Sức khỏe và Đời sống