Cần sự đồng lòng của tất cả các bên
CLB bóng đá Khánh Hòa, cùng với địa phương đang nỗ lực trong việc tìm giải pháp và thúc giục các nhà tài trợ nhanh chóng làm đúng cam kết của các nhà tài trợ, thúc giục họ đừng nợ tiền đội bóng nữa. Những khoản nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ mà Khánh Hòa đang gặp phải chủ yếu đến từ việc các nhà tài trợ chậm giải ngân cho đội bóng, dù các bên đã có cam kết trước mùa giải 2023-2024.
Thế nên, đây là lúc mà đội bóng phố biển cần sự chung tay hơn lúc nào hết. Các nhà tài trợ cũng nên thực hiện đúng cam kết của mình. Bởi, quyền lợi của các cầu thủ, những người lao động trong lĩnh vực bóng đá cần được thực hiện. Các cầu thủ đã nỗ lực trong suốt một mùa giải, đổ mồ hôi trên sân cỏ, dẫu không thể góp công giúp đội Khánh Hòa trụ lại V-League, cũng đã góp sức giữ hình ảnh của CLB, giữ hình ảnh của chính các nhà tài trợ. Họ giữ hình ảnh cho một tập thể chiến đấu đến tận cùng của mùa giải, không bỏ cuộc bất chấp khoảng thời gian bị nợ lương.
Trước đó, CLB Khánh Hòa cũng đã bị Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) ra phán quyết cấm chuyển nhượng từ tháng 8.2024 đến hết tháng 8.2025, tức tương ứng với 2 kỳ chuyển nhượng mùa hè và 1 kỳ chuyển nhượng mùa đông theo thông lệ chuyển nhượng cầu thủ trên toàn cầu (tổng cộng là 3 kỳ chuyển nhượng). Sự việc cũng xuất phát từ chỗ đội Khánh Hòa nợ lương cầu thủ người Guinea Mamadou Guirassy và bị cầu thủ này đem vấn đề kiện lên FIFA.
Đây là sự việc không mong muốn, bản thân đội Khánh Hòa cũng đã nỗ lực trả nợ cho cầu thủ Mamadou Guirassy, nhưng khúc mắc giữa các bên đến từ việc chênh lệch giữa cách tính lương từ phía đội Khánh Hòa (cho rằng chỉ phải trả 19.500 USD – khoảng 490 triệu đồng, tương ứng với 3 tháng lương), so với cách tính từ phía cầu thủ Mamadou Guirassy (có thêm phần chênh lệch số tiền phạt vì chậm thanh toán và lãi suất, khoảng 27.900 USD, chừng 700 triệu đồng).
Phải khẳng định phía đội bóng phố biển rất thiện chí trong việc muốn hoàn tất khoản tiền nợ này, chỉ là vướng thủ tục visa của Mamadou Guirassy, nên tiền chưa thể đến tay cầu thủ người Guinea.
Trong cuộc họp khẩn do tỉnh chủ trì ngày 14.8, phương án được đưa ra là nhà tài trợ phải trả hết nợ cho cầu thủ Mamadou Guirassy cũng như các cầu thủ khác từ mùa giải trước. Sau khi được FIFA gỡ lệnh cấm đăng ký cầu thủ mới, tiếp theo sẽ tiến hành thương lượng với VFF để xem xét CLB Khánh Hòa có thể tham gia giải hạng nhất mùa giải 2024-2025 được không. Mọi việc phải thực hiện ngay trong tuần này vì VFF chuẩn bị chốt danh sách trong mùa giải mới. Nếu không đủ điều kiện thì CLB buộc phải xuống hạng ba.
Luật FIFA không có ngoại lệ
Vụ việc âu cũng là sự thiếu kinh nghiệm của các CLB bóng đá Việt Nam khi làm bóng chuyên nghiệp. Các quy định của FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) rất nghiêm khắc, với các tổ chức này, luật là luật, không có chữ “nếu”. Cũng chính vì thế, các nhà tài trợ cũng phải hiểu cho chi tiết này, thực hiện đúng cam kết với các CLB, để các CLB thực hiện đúng cam kết với các cầu thủ, các thành viên đội bóng. Tin rằng, khi các nhà tài trợ muốn chung tay với bóng đá Việt Nam, với từng CLB của bóng đá Việt Nam, các bên đều muốn bóng đá của chúng ta tốt hơn, chứ không ai, không nhà tài trợ nào muốn bóng đá Việt Nam mất mặt với quốc tế, hình ảnh của bóng đá Việt Nam xấu đi trong mắt FIFA, AFC. Đây cũng là điều mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiều lần khuyến cáo các CLB trong nước.
Càng về sau này, trong xu thế toàn cầu hóa, thông tin về bóng đá Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn trên bình diện quốc tế, sự tương tác của bóng đá Việt Nam với giới bóng đá quốc tế càng về sau này nhiều hơn, nên những sự việc không hay xuất hiện ở trong nước giai đoạn sau này cũng gần như sẽ được… quốc tế hóa.
Vì thế, chuyện xảy ra ở các CLB không còn là chuyện riêng của từng đội bóng hay từng địa phương, mà đã trở thành chuyện chung của bóng đá Việt Nam. Bất kỳ sự việc nào xảy ra ở CLB nào, ở địa phương nào, đều có thể khiến cho toàn bộ nền bóng đá trong nước bị ảnh hưởng. Nếu sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần, bóng đá trong nước còn phải đối diện với khả năng bị FIFA và AFC thực hiện các bước xử lý tiếp theo, mạnh tay hơn.
Đấy cũng là lý do mà càng về sau này, VFF càng siết chặt các quy định đăng ký các CLB ở giải trong nước, vì nếu không làm chặt, hậu quả về sau có thể sẽ rất lớn. Lấy ví dụ trường hợp đội Khánh Hòa, nếu đội này bị đánh rớt xuống hạng ba, cũng đồng nghĩa với việc đội bóng này phải làm lại từ đầu. Ở chiều ngược lại, giải hạng nhất quốc gia (nơi Khánh Hòa tính cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiện diện) sẽ khuyết đi một đội. Điều này chắc chắn sẽ khiến giải đấu xáo trộn, lịch thi đấu buộc phải sắp xếp lại, số suất lên – xuống hạng giữa giải hạng nhất và giải hạng nhì có khi cũng phải tính toán lại.
Nói chung, việc xảy ra ở đội Khánh Hòa sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống thi đấu của bóng đá nội ở mùa giải 2024-2025. Đó là lý do mà khi sự việc vẫn còn có thể cứu vãn, cần lắm sự chung tay của các bên, CLB bóng đá Khánh Hòa và địa phương đang rất nỗ lực vì bóng đá Việt Nam, giờ họ chỉ còn chờ tín hiệu từ các nhà tài trợ!
Nguồn: https://thanhnien.vn/clb-khanh-hoa-con-nuoc-con-tat-tinh-the-cang-nhu-day-dan-sap-het-han-tra-no-185240815124337372.htm