1. Tỉnh, thành nào nhiều lễ hội nhất Việt Nam?
- Bắc Ninh
- Hà Nội
- Phú Thọ
- Ninh Bình
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất. Trong năm 2024, địa phương này sẽ có khoảng hơn 1.500 lễ hội được tổ chức.
Một số lễ hội lớn tại đây thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như: Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Láng, Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)…
2. Loại hình lễ hội nào chiếm phổ biến ở nước ta?
- Lễ hội truyền thống
- Lễ hội văn hóa
- Lễ hội ngành nghề
- Lễ hội có nguồn gốc nước ngoài
Trong số 8.868 lễ hội diễn ra trên cả nước hiện nay, có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, còn lại là các lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tập quán thường thu hút rất đông người dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế tham dự.
Về thời gian tổ chức, các lễ hội khu vực phía Bắc thường tập trung vào mùa xuân; khu vực miền Trung – Tây Nguyên thường từ tháng 4 đến tháng 9; trong khi khu vực Nam Bộ diễn ra chủ yếu từ tháng 10.
3. Lễ hội nào kéo dài nhất nước ta?
- Lễ hội Lim
- Lễ hội Gióng
- Lễ hội chùa Hương
- Lễ hội đền Hùng
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là lễ hội có thời gian kéo dài nhất ở Việt Nam. Lễ hội chùa Hương thường diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Phần lễ thực hiện rất đơn giản, thường mở đầu bằng nghi lễ khai sơn, sau đó là nghi lễ dâng hương. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…
4. Lễ hội hát Xoan diễn ra ở tỉnh nào?
- Ninh Bình
- Bắc Ninh
- Phú Thọ
- Tuyên Quang
Hội Xoan diễn ra tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng giêng. Đây là lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết, tại vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người dân tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn.
5. Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam diễn ra ở tỉnh nào?
- Bình Thuận
- Tuyên Quang
- Khánh Hòa
- Bắc Giang
Lễ hội Trung thu tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã được xác lập kỷ lục “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất ở Việt Nam” và được tỉnh này công nhận là 1 trong 5 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Hàng năm, có hàng nghìn học sinh tham gia rước đèn với màu sắc, mẫu mã đa dạng.
Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang từng được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam với “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam” và “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tinh-thanh-nao-nhieu-le-hoi-nhat-viet-nam-2308257.html