Nhờ những chính sách hỗ trợ y tế của Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên, trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện tốt hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, trong lĩnh vực y tế, tỉnh ghi nhận 99,5% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trạm y tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020 đã đạt gần 95%. Các trạm y tế này được đầu tư hoàn chỉnh về nhà cửa, trang thiết bị, nhân lực để có thể làm đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có giường để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, có vườn thuốc nam…
Nhờ mạng lưới y tế được bao phủ rộng khắp ở xã nên tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản ngay tại địa bàn sinh sống ngày càng tăng.
Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ đồng đạt trung bình 79,8%. Các loại bệnh, dịch như sốt rét, bướu cổ, lao, phong cơ bản được khống chế, loại trừ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 15,8%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm còn 21%.
Đáng chú ý, năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 92%, trong đó người dân tộc thiểu số hoặc người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn của tỉnh được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Chính sách này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới người dân vùng khó của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Theo kế hoạch số 92, tỉnh Thái Nguyên quán triệt phấn đấu bằng hoặc cao hơn các mục tiêu của Trung ương đã đề ra tại Nghị quyết số 10 của Chính phủ. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 cùng với các chương trình dự án và nguồn lực khác.
Cụ thể, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân từ 2%/năm trên tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Về công tác y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tập trung hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
Để thực hiện được các mục tiêu, UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra các nhiệm vụ và nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể: nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chiến lược công tác dân tộc; đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; kiện toàn bộ máy, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Ban Dân tộc chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch, các chương trình, chính sách, đề án về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.