Tỉnh Quảng Nam có một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, nhất là vùng nông thôn. Để đưa ngành du lịch nông thôn và khai thác hết thế mạnh của vùng nông thôn ở Quảng Nam một cách có hiệu quả, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Vùng nông thôn Quảng Nam được ví như “viên ngọc quý”, không chỉ ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nơi đây còn là một không gian cảnh quan đẹp, là niềm tự hào của rất nhiều du khách trong và quốc tế, là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến với Quảng Nam. Ông có thể chia sẻ thành quả việc phát triển du lịch ở Quảng Nam trong thời gian qua, đặc biệt là du lịch nông thôn, nông nghiệp.
– Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực đưa ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2023 đạt hơn 7,5 triệu lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra trong năm 2023. Con số này đã xấp xỉ lượng khách du lịch đến Quảng Nam năm 2019, trước đại dịch Covid-19 là 7,8 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa đạt gần 3,7 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2023 đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 18.683 tỷ đồng.
Tiếp nối sự phục hồi trong năm 2023, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách quốc tế đến Quảng Nam đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 6.475.000 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 4.245.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 2.230.000 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ năm 20223.
Du lịch nông thôn, nông nghiệp tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2009, 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013; các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng, Cù Lao Chàm, làng chài Tân Thành, thành phố Hội An; làng Nghệ Thuật cộng đồng Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ; làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, lò gạch cũ Farmstay…
Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nổi trội nhất là điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu – Cẩm Thanh, thành phố Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách vào năm 2023, với doanh thu từ việc bán vé tham quan hơn 27 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, thị xã Điện Bàn năm 2017; làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, huyện Nam Giang năm 2019, cộng đồng làng chài ven biển An Bàng, thành phố Hội An nhận giải thưởng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); các làng được công nhận là sản phẩm OCOP như, làng chài Tân Thành, thành phố Hội An và Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ.
Như ông đã chia sẻ, Quảng Nam đang phát triển mạnh về du lịch sau đại dịch Covid-19, đang lấy lại đà phát triển. Để phát triển du cho vùng nông thôn, ngành văn hóa, du lịch Quảng Nam đang có những định hướng gì để đẩy mạnh giúp vùng nông thôn khởi sắc về du lịch?.
– Tỉnh Quảng Nam đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản có liên quan thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, triển khai chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.
Trong đó, tỉnh Quảng Nam quy định mức chi hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/dự án/mô hình/điểm du lịch; chi hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo danh mục dự án được Bộ NNPTNT phê duyệt không quá 5 triệu đồng/dự án/mô hình.
Trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tiếp tục triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ có liên quan để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch.
Hỗ trợ đầu tư có hiệu quả các mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM có tài nguyên du lịch đặc trưng và có khả năng lan tỏa khách du lịch đến những điểm du lịch khác. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.
Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, quảng bá về các loại hình du lịch này. Chú ý truyền thông, thông tin về lợi ích, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của du lịch nông nghiệp, du lịch làng quê.
Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước…. Tăng cường sự phối, kết hợp giữa cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn gắn với gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, các làng quê, làng nghề ở vùng nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được của vùng du lịch nông thôn ở Quảng Nam thời gian qua, vậy việc xây dựng và để gọi là đạt được “điểm 10” cho du lịch nông thôn ở Quảng Nam, theo ông việc lấy điểm này có khó không?
– Phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam còn nhiều khó khăn, cụ thể quy hoạch NTM trước đây tại các địa phương chưa định hướng được phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hoặc có nhưng chất lượng quy hoạch trong phát triển du lịch chưa tốt; thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành cho phát triển du lịch.
Công tác quy hoạch đất tại các điểm du lịch nói chung và du lịch nông thôn cũng còn nhiều bất cập. Một số tour du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay đã có dấu ấn nhưng chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng.
Cơ sở hạ tầng phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe và nhà vệ sinh; các dịch vụ du lịch, quy mô nhỏ và chưa đảm bảo đủ các điều kiện để phục vụ nhu cầu của du khách.
Nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch cộng đồng phần lớn được lồng ghép từ các nguồn tài chính khác nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch; hoạt động phát triển du lịch cộng đồng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một số điểm du lịch cụ thể, chưa có cơ chế thúc đẩy phát triển tổng thể thành các mô hình du lịch cộng đồng bài bản để đưa vào khai thác các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với trải nghiệm NTM; chính sách về đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn, vướng mắc…
Lao động du lịch nông thôn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy công tác quản lý, vận hành, công tác quảng bá xúc tiến tại các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng.
Thiếu liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, chưa đem lại hiệu quả cao.
Công tác bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống chưa được đầu tư đúng mức, vì vậy việc phát huy tài nguyên chưa tương xứng với tiềm năng.
Đi kèm với việc phát triển du lịch nông thôn, nhất là Quảng Nam hiện có rất rất nhiều các sản phẩm do nông dân, vùng nông thôn sản xuất đã có thương hiệu nổi tiếng. Vậy ngành du lịch Quảng Nam quảng bá những sản phẩm này đến với du khách, đặc biệt du khách quốc tế như thế nào?.
– Tỉnh Quảng Nam luôn coi trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là công tác quảng bá đến du khách quốc tế các sản phẩm do nông dân, vùng nông thôn sản xuất ra và đã có thương hiệu.
Hằng năm, ngoài tham gia các hội chợ thương mại, du lịch trong nước và quốc tế, đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch nông thôn, tỉnh Quảng Nam còn quảng bá các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nông thôn nói riêng trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, báo đài trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông qua xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam; xây dựng chương trình kích cầu du lịch hằng năm để thu hút du khách.
Ngày 24/3/2023, tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch về thu hút và đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Quảng Nam giai đoạn mới, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thu hút, đón khách du lịch quốc tế nhằm phục hồi và phát triển du lịch Quảng Nam bền vững.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, kết nối lại thị trường, đối tác tại các thị trường khách quốc tế truyền thống và tiềm năng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận thị trường khách du lịch quốc tế, Quảng Nam khuyến khích doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác…, thực hiện chiến dịch marketing online trên các nền tảng mạng xã hội, phát triển các website với nhiều ngôn ngữ để giới thiệu điểm đến du lịch nông thôn, sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP đến với du khách trong nước và quốc tế.
Với tỷ lệ khách quốc tế chiếm trên 65% tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch, tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế trong quảng bá các sản phẩm của vùng nông thôn đến khách quốc tế.
Và mới đây, ngày 27/9/2024, trung tâm OCOP Hội An đã khai trương tại ngôi nhà số 72 Nguyễn Thái Học với nhiều sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trong toàn tỉnh Quảng Nam. Việc hình thành những trung tâm như thế này sẽ giúp Quảng Nam phát huy thế mạnh, giảm chi phí phân phối, tăng tính cạnh tranh và từng bước kết nối sản phẩm vùng nông thôn đến với du khách mà trọng tâm là khách quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/tinh-quang-nam-khai-thac-tiem-nang-cua-vien-ngoc-quy-ve-du-lich-nong-thon-nhu-the-nao-20241004082309352.htm