Tính đến ngày cuối cùng, tổng nguồn lực cấp thành huy động cho hoạt động năm nay gần 13,4 tỉ đồng, đã hoàn thành nhiều phần việc, công trình mang lại giá trị cho cộng đồng, tạo môi trường rèn luyện cho chiến sĩ tình nguyện.
Anh NGÔ MINH HẢI (bí thư Thành Đoàn TP.HCM)
Nhìn thẳng điểm hạn chế
Ghi nhận nhiều chỉ tiêu đạt và kết quả ấn tượng song Thành Đoàn TP.HCM cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế.
Anh Phạm Lê Minh Khang – trưởng Ban Thanh niên trường học (Thành Đoàn TP.HCM) – nói việc tuyên truyền chưa nhiều điểm nhấn truyền cảm hứng về hoạt động tình nguyện hè. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của chiến sĩ tình nguyện, thanh thiếu nhi và người dân chưa đồng bộ tại cơ sở.
Cấp thành nói có đơn vị chưa chú trọng hoạt động hưởng ứng ngày cao điểm. Chưa kể một số đơn vị thiếu chủ động liên kết lực lượng, chưa xác lập nội dung ngay từ đầu. Điểm tồn tại cũ được nhắc lại khi việc vận động người dân cùng tham gia các công trình, hoạt động tình nguyện với tuổi trẻ chưa thật hiệu quả.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải nói dù mọi việc được triển khai rất sớm nhưng vẫn tồn đọng một số vấn đề chính là công tác phối hợp. Anh Hải nói ngay từ đầu cấp thành lưu ý kỹ đơn vị ráp mối phải thông qua các tỉnh thành Đoàn. Tuy nhiên thực tế vẫn có đội hình tự phối hợp với cấp huyện, không qua cấp tỉnh.
“Chúng ta còn lợn cợn câu chuyện phối hợp, việc đối ứng giữa TP với các tỉnh thành. Một số nơi đã hỗ trợ chiến sĩ ở nhà dân nhưng cũng có những đơn vị không thực hiện điều này. Trong khi cần ở nhà dân để giúp sinh viên cảm nhận văn hóa, nếp sống nơi mình đến” – anh Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó, dù TP ra quân sớm nhưng cơ sở lại đeo bám không tốt. Anh Hải đặt câu hỏi: “Việc vận động sinh viên, thanh niên đi tình nguyện bây giờ khó khăn hơn trước chăng?”.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM cho biết ngày 21-9, TP.HCM sẽ đăng cai hội quân chiến sĩ tình nguyện cả nước nhân 25 năm chiến dịch thanh niên tình nguyện.
“Chúng ta cần tiếp tục trao đổi, thảo luận và tìm giải pháp sao cho hoạt động tình nguyện phù hợp với thực tiễn của việc học tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay” – anh Hải nêu.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con
Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre Lâm Như Quỳnh nói không chỉ phối hợp thực hiện công trình mà rất mong sinh viên về địa phương được trải nghiệm như học kỳ thứ ba để thêm vốn sống, hiểu hơn bà con địa phương. Chị Quỳnh cho biết thực tế có đội hình không muốn ở cùng nhà dân và lực lượng đối ứng địa phương chỗ này chỗ khác chưa như mong muốn.
Từ thực tiễn hoạt động, bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre đề xuất các đơn vị khi đưa quân về tỉnh cam kết gắn bó thời gian dài hơn và nên liên tục, ít nhất ba năm. “Có thể tiếp tục phối hợp sau khi kết thúc hè tình nguyện gắn với chuyên môn. Đó có thể là hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và nhiều nội dung khác” – chị Quỳnh đề xuất.
Phó bí thư Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM Trương Văn An cho rằng cần phải định hướng địa bàn sớm hơn nữa. Anh An nói về mặt truyền thông, dù có một số gương mặt trẻ nổi tiếng, các KOL cùng tham gia, trở thành đại sứ cho từng chiến dịch nhưng cần thêm nhiều hơn.
“Có thể mời một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia hoạt động với chúng ta. Còn tại các tỉnh thành, nếu được cố gắng mời các TikToker nổi tiếng của địa phương để cùng lan tỏa hoạt động, ý nghĩa và hình ảnh của các chương trình, chiến dịch tình nguyện chúng ta làm” – anh An gợi mở.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng – bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè (TP.HCM) – thống nhất cần khảo sát kỹ các công trình, phần việc tại địa phương, kết nối các đơn vị chặt chẽ mới có thể tổ chức tốt. Dẫn chứng khi Nhà Bè đón thêm tình nguyện viên quốc tế và phối hợp tốt với lực lượng nhiều đơn vị nên tạo được nhiều công trình hiệu quả.
“Phối hợp chặt chẽ là điều tiên quyết, chưa kể cần tham mưu tốt cùng lãnh đạo địa phương hỗ trợ cho các hoạt động có vai trò rất lớn của Đoàn” – chị Hằng nêu.
Khảo sát càng sớm càng rõ hiệu quả
Anh Võ Duy Kha – phó bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên – đánh giá rất cao công trình dẫn nước về buôn cho bà con vùng khó khăn trị giá cả tỉ đồng do chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa hoàn thành. Dù trường đã gắn bó với địa phương nhiều năm song năm nào cũng chủ động khảo sát sớm, chọn công việc trọng tâm để làm. “Nhờ vậy các công trình, phần việc giúp bà con giải quyết được vấn đề cấp thiết của địa phương, mang lại hiệu quả cao” – anh Kha nói.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Phạm Ngọc Quý cho hay chính việc khảo sát sớm, nắm được câu chuyện khan hiếm nguồn nước của bà con mà nếu có đào giếng cũng không thể vì điều kiện tự nhiên rất khó khăn. Từ đó, trường đã tìm nguồn hỗ trợ thực hiện công trình nói trên.
Kết quả vỡ òa trong niềm vui của mọi người sau 15 ngày thực hiện, một đường ống dài 10km đã dẫn nước về xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Nhờ đó, khoảng 700 hộ dân ở đây đã có nguồn nước sử dụng. “Bà con vui mừng, chiến sĩ cũng thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Kết nối chặt chẽ giữa địa phương và lực lượng tình nguyện chính là kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn trong giai đoạn tới” – Ngọc Quý đúc kết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tinh-nguyen-la-tinh-cam-khat-khao-cong-hien-20240806083740766.htm