Đây là năm thứ hai liên tiếp Bình Dương dẫn đầu toàn quốc về tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển và nhập học.
Trong top 10 tỉnh, thành có tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển và nhập học đại học 2023, tất cả đều có tỉ lệ tăng so với năm 2022.
Trong đó, Hà Nội có tỉ lệ tăng nhiều nhất, hơn 13%. Đà Nẵng, TP.HCM cũng có tỉ lệ tăng trên 10%.
Hai thành phố trực thuộc trung ương khác là Hải Phòng và Cần Thơ không nằm trong nhóm 10 địa phương có tỉ lệ thí sinh nhập học nhiều nhất.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm 10 tỉnh thành có tỉ lệ nhập học thấp nhất, nhiều tỉnh có tỉ lệ tăng 8 đến 10%.
Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số lượng nhập học lớn nhất. Điều này dễ hiểu vì đây là các khu vực kinh tế phát triển, tập trung nhiều trường đại học.
Điều đáng chú ý là ở hai khu vực này, số thí sinh trong vùng nhập học thấp hơn số lượng thí sinh từ các vùng khác nhập học. Trong khi đó ở ba khu vực còn lại, số lượng thí sinh trong vùng nhập học cao hơn thí sinh từ khu vực khác.
Về phương thức xét tuyển năm 2023, bà Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – cho biết dù bộ đã cảnh báo nhưng các trường đại học vẫn sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển.
Điều này khiến thí sinh bị nhiễu thông tin, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển, nhiều phương thức có rất ít, thậm chí không có thí sinh đăng ký xét tuyển.
Từ kết quả này, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các trường loại bỏ các phương thức xét tuyển kém hiệu quả.
Các trường cần có phân tích, thống kê kết quả các phương thức xét tuyển để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức.
Bộ đã có công văn gửi các trường yêu cầu đánh giá, đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các phương thức.
“Kết quả trúng tuyển giữa xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch.
Để đảm bảo công bằng, bộ khuyến nghị các trường xét tuyển học bạ cần có thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT” – bà Thủy đề xuất.
Xét tuyển sớm: Thí sinh ảo hơn 50%
Liên quan hình thức xét tuyển sớm, bà Thủy cho biết các trường đua nhau xét tuyển với số lượng trường rất lớn nhưng tỉ lệ ảo ở hình thức này rất lớn.
Trong khi đó, nhiều trường đại học cho rằng xét tuyển sớm đã tạo thêm lựa chọn cho thí sinh, giảm tải cho hệ thống dù tỉ lệ ảo lớn.
Ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT – cho rằng tỉ lệ ảo xét tuyển sớm lớn có nguyên nhân từ quy định không cho nhập học sớm của bộ. “Chính vì bộ không cho nhập học sớm nên thí sinh đã trúng tuyển có các lựa chọn khác. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh trúng tuyển sớm được nhập học sớm” – ông Tùng kiến nghị.