Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 376/TB-VPCP ngày 13/9/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum.
Từ đầu nhiệm kỳ, trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 tỉnh Kon Tum đạt được nhiều kết quả tích cực: năm 2022, GRDP đạt 9,47%; đã đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 6 tháng năm 2023: GRDP đạt 6,8% (đứng thứ 22/63 và cao nhất khu vực Tây Nguyên).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ…
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: Tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô của nền kinh tế còn nhỏ nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, chuyển dịch nền kinh tế còn chậm, hợp tác công tư chưa nhiều, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh CPI, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) vẫn thuộc nhóm trung bình của cả nước;…
Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất
Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới (hoàn thành trong tháng 9 năm 2023).
Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến…
Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất. Gắn không gian phát triển kinh tế của tỉnh với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 24 và hành lang biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia.
Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là Sâm Ngọc Linh).
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo. Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia.
Phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp…). Phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính – ngân sách nhà nước. Tăng cường các giải pháp quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu bảo đảm bền vững; triệt để tiết kiệm chi.
Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá địa phương. Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ.
Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng hệ thống trường dân tộc nội trú.
Đẩy mạnh thực chất, hiệu quả cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống, các di tích lịch sử, văn hoá. Theo sát tình hình, chuẩn bị kỹ, chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa thiên tai. Rà soát, đánh giá và có giải pháp phòng tránh sạt lở.
Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đông người, kéo dài, nhất là các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai tại các công ty nông, lâm trường không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.