Những tháng đầu năm 2023, nhiều loại nông sản của tỉnh gặp khó khăn về đầu ra.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn: Thời gian qua, sản xuất của các doanh nghiệp (DN), cơ sở ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) gặp khó khăn ở một số ngành chế biến các sản phẩm từ dừa, sản xuất các sản phẩm da, may mặc, sản xuất xe có động cơ… Giá dừa giảm sâu, thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm. Hầu hết các DN gặp khó khăn trong thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao. Tuy nhiên, các đơn vị đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Quý Mão, góp phần tạo đà cho tăng trưởng năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là 12.400 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 12,35% (tương đương 11.170 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2021, tăng 34,66% (tương đương 9.320 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,31% kế hoạch.
Toàn tỉnh có 181 doanh nghiệp (DN) và 171 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (đạt 18,47% kế hoạch năm), với tổng vốn đăng ký 1.783,93 tỷ đồng, bằng 81,53% về số DN và bằng 80,79% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2022. 5 DN, 10 cơ sở đăng ký phát triển mới thuộc lĩnh vực CN-TTCN, với ngành nghề chủ yếu là chế biến thực phẩm, rau, củ quả, may mặc… tổng vốn đăng ký khoảng 102,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động. Tính đến ngày 15-4-2023, toàn tỉnh có 5.805 DN, với tổng vốn đăng ký 62.261 tỷ đồng. Trong đó, có 3.930 DN đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 49.284,4 tỷ đồng; 1.369 DN đang làm thủ tục giải thể, với vốn đăng ký 8.872,4 tỷ đồng; 197 DN tạm ngừng hoạt động, với vốn đăng ký 837,5 tỷ đồng; 309 DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, với vốn đăng ký 3.266,45 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được duy trì. KCN Phú Thuận và dự án (DA) Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ. KCN Giao Long giai đoạn I, có 24 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, gồm: 11 DA trong nước với vốn đăng ký 2.704,3 tỷ đồng và 13 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 207,6 triệu USD. KCN Giao Long giai đoạn II, có 13 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, gồm: 7 DA trong nước, với vốn đăng ký 908,15 tỷ đồng và 6 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 101 triệu USD. KCN An Hiệp có 16 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, gồm: 12 DA trong nước, với vốn đăng ký đầu tư 2.883,87 tỷ đồng và 4 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 140,5 triệu USD.
Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn, nhằm phát triển các CCN trên địa bàn. Toàn tỉnh có 9 CNN được thành lập, với tổng diện tích 329,3ha. Đến nay, có 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động, có 27 DA đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.833,52 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.933 lao động. Trong 4 CCN đang hoạt động thì có 3 CCN được đầu tư những hạ tầng cơ bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong CCN.
Hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: Chưa có đơn hàng lớn. Các DN chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa – một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường Trung Quốc đang mua dừa khô trái trở lại. Giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán xuất khẩu không tăng mà giảm từ 15 – 20% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của các DN tỉnh là châu Âu và châu Mỹ cũng gặp khó khăn về đầu ra, hàng tồn kho còn nhiều… Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, ước đạt 453,0 triệu USD, giảm 9,44% so cùng kỳ. Song song đó, các nhóm hàng xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu cũng bị kéo giảm so với cùng kỳ.
Hoạt động nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn trong xu hướng chung. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của tỉnh là nguyên phụ liệu cho sản xuất – xuất khẩu. Tính đến tháng 4-2023 đạt 146,85 triệu USD, giảm 9,48% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý I-2023 được bảo đảm an toàn, ổn định, huy động vốn tăng trưởng tốt, đến cuối tháng 4-2023 đạt 53.229 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Các tổ chức tín dụng cho vay ra nền kinh tế lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 29.790 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt 57.683 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm. Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ chiếm 1% tổng dư nợ. |
Trần Quốc