(ĐN) – Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa X, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, với phương châm Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại phiên họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa X, sáng 13-7. Ảnh: Huy Anh |
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
* Tổng sản phẩm quốc nội tăng cao hơn mức tăng của cả nước
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 115,9 ngàn tỷ đồng, tăng 4,01%, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 3,72%). So với các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng Nai cao hơn TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,01%.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thuận lợi. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,65% so cùng kỳ. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10,46 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 7,8 tỷ USD; giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,66 tỷ USD.
Đến ngày 21-6, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 15% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 27,4%; vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân đạt 1,4%; vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 17,6%. |
Thu hút đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng, giảm vốn khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn 13,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 678,47 triệu USD, tăng gần 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và bổ sung tăng vốn hơn 29,1 ngàn tỷ đồng, bằng 73,9 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 27,4 ngàn tỷ đồng, đạt 45% so với dự toán. Chi cân đối ngân sách địa phương trên 7,7 ngàn tỷ đồng, đạt 31% so với dự toán.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả khả quan. Đồng Nai cũng là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đứng thứ 2 trong cả nước và đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về công tác lập quy hoạch xây dựng, đến nay Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 TP.Biên Hòa. Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Trảng Bom, đô thị Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch đang được Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được tập trung thực hiện, đặc biệt là công tác bàn giao mặt bằng cho các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đến nay, UBND tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 cho Cảng vụ hàng không Miền Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP với tổng diện tích 2.532ha đạt tỷ lệ 100%. Các dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3 – TPHCM đã tổ chức khởi công.
Sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp ở Biên Hòa. Ảnh tư liệu |
* Giải quyết việc làm cho hơn 40,4 ngàn người
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực giải quyết việc làm cho hơn 40,4 ngàn người.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối việc làm cho khoảng 3 ngàn người lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 29,3 ngàn lao động thất nghiệp. Tỉnh đã chi hơn 821,8 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ người lao động học nghề. Chi hơn 14,97 tỷ đồng chăm lo, hỗ trợ cho 463 lao động hưởng chính sách hỗ trợ bị chấm dứt hợp đồng lao động và 9.528 lao động hưởng chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động…
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả. Tỷ lệ phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang:
Giải ngân vốn đầu tư công cần nhanh hơn
Với tư cách đại biểu HĐND tỉnh, tôi cho rằng giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bởi vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, cùng với các nguồn lực xã hội góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH). Nếu triển khai chậm nguồn vốn đang có sẽ dẫn đến hệ lụy là xã hội chậm phát triển. Do vậy, cần có giải pháp để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Qua tiếp xúc cử tri trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy cử tri kỳ vọng rất lớn vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh để đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi tốt. Qua đó, giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống.
Ngoài ra, cử tri rất đồng thuận với việc di dời để nhường đất thực hiện các dự án lớn mang tầm quốc gia, các tuyến đường cao tốc mang tính huyết mạch. Tuy nhiên, bà con mong muốn chính quyền các cấp cần quan tâm hơn đến việc bố trí các khu tái định cư để đảm bảo khi bà con di dời thì có chỗ ở ổn định; bồi thường phù hợp để bà con có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Giám đốc Sở Y tế, BS CKII LÊ QUANG TRUNG:
Thay đổi cơ chế để phát triển y tế cơ sở
Để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, thời gian qua, Chính phủ, tỉnh nhà đã có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho các trung tâm y tế huyện, trạm y tế. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của y tế cơ sở là thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chất lượng nhân lực y tế không đồng đều giữa các địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Y tế đề ra một số giải pháp như: hỗ trợ nhân lực từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Ví dụ, nhân lực y tế của Trung tâm Y tế H.Định Quán, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán sẽ hỗ trợ cho khu vực H.Tân Phú; ở TP.Long Khánh sẽ hỗ trợ cho các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Xuân Lộc. Các bệnh viện tỉnh sẽ hỗ trợ cho các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch…
Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế thay đổi cơ chế, chính sách đầu tư cho các hệ thống y tế hiện nay, đảm bảo y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, hiểu dân nhất phải được đầu tư bài bản, đủ nhân lực, thuốc men, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Ngoài ra, cần có sự công bằng trong việc thanh toán tiền công khám bệnh giữa bác sĩ tuyến tỉnh và tuyến cơ sở. Có như vậy mới tạo động lực cho nhân viên y tế gắn bó với trạm y tế, trung tâm y tế; giúp người dân có niềm tin khi đến khám, chữa bệnh tại đây.
Phó chánh Văn phòng Hội Chữ thập đỏ tỉnh VƯƠNG CẨM NHUNG:
Mong sớm giải quyết những vấn đề người dân quan tâm
Tôi rất mừng với những kết quả về KT-XH mà tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, chất vấn, đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết nhiều vấn đề mà người dân đang quan tâm. Đó là việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tình trạng ngập nước xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại TP.Biên Hòa; tình trạng thiếu trường lớp khiến nhiều học sinh ở TP.Biên Hòa chưa được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt là nhiều công nhân lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh trật tự trên địa bàn; vấn đề ô nhiễm môi trường; tình trạng lừa đảo trên mạng…
Chúng tôi mong muốn tới đây, chính quyền các cấp sẽ phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm với dân, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân một cách nhanh nhất, giúp cuộc sống của người dân ổn định hơn.
Hạnh Dung (ghi)
|
Hạnh Dung – Hồ Thảo
.