Cung cấp điện ở miền Bắc đảm bảo sau công bố của EVN
Thông tin về tình hình cung ứng điện sau thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, từ 23/6, hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, nguyên nhân do lượng nước đổ về các hồ thuỷ điện những ngày qua tăng đáng kể. Bên cạnh đó, sự cố các nhà máy nhiệt điện cũng đã được khắc phục, việc đấu nối các dự án năng lượng tái tạo cũng tăng, thời tiết miền Bắc những ngày qua cũng giảm nhiệt, nhu cầu về điện không còn gay gắt.
Báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong ngày 24/6 đạt 773,4 triệu kWh, trong đó sản lượng điện miền Bắc là 344 triệu kWh, công suất lớn nhất 79,4 MW.
Đối với thủy điện miền Bắc, với việc tiếp tục huy động các nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Bắc Hà, Nậm Chiến 1, sản lượng thuỷ điện khai thác trong ngày 24/6 đạt 4.945 triệu kWh, tăng 17,4 triệu kWh so với ngày 23/6.
Lượng nước về các hồ thủy điện tăng nhanh so với ngày hôm qua: hồ Lai Châu: 782 m3/s; hồ Sơn La: 2.220 m3/s; hồ Hòa Bình: 769 m3/s; hồ Thác Bà: 341 m3/s; hồ Tuyên Quang: 901 m3/s; hồ Bản Chát: 805 m3/s. Mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 10 – 20 m.
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực – cho biết, hiện tại miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày.
Tuy nhiên, do mực nước hiện tại của các hồ thủy điện vẫn ở mức thấp, công suất khả dụng của tổ máy vẫn bị suy giảm nên khả năng đáp ứng phụ tải lớn nhất của hệ thống điện miền Bắc vào khoảng 344,0 MW tùy theo khung giờ trong tháng 6.
“Trong trường hợp cực đoan không có lũ về hoặc lưu lượng lũ về hồ thấp, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn”, ông Hòa nói.
Đối với khu vực miền Trung và Nam, đảm bảo cung cấp điện và không phải chạy dầu trong thời gian tới. Trong một số trường hợp phụ tải tăng cao bất thường hoặc sự cố nhiều nguồn nhiệt điện, có thể linh hoạt huy động các nguồn chạy dầu DO để đáp ứng.
Về nhiệt độ, theo dự báo nhiệt độ những ngày cuối tháng 6 và những ngày đầu đến giữa tháng 7 sẽ không cực đoan như những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt có khả năng không cao vọt như thời gian qua.
Dự báo phụ tải trung bình ngày miền Bắc khoảng 421,7 triệu kWh. Nếu có chế độ vận hành hợp lý và thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện thời gian tới
Để tiếp tục đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và hiệu quả trong thời gian từ nay cho đến hết mùa khô năm 2023 và chuẩn bị cho mùa khô năm 2024, ông Trần Việt Hòa thông tin:
“Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các đơn vị triển khai một số giải pháp chính như: Có chế độ vận hành hợp lý các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện miền Bắc; các nhà máy thủy điện phải bám sát diễn biến của thời tiết để có chế độ vận hành phù hợp đảm bảo sản lượng và công suất”.
Cùng với đó, các tổ máy nhiệt điện miền Bắc cần phải đảm bảo khả dụng tối đa, thu xếp đủ nhiên liệu than cho sản xuất điện. Các nhà máy nhiệt điện phải thường xuyên theo dõi, bám sát vận hành thiết bị của nhà máy, tuyệt đối không để xảy ra sự cố chủ quan trong giai đoạn căng thẳng cung cấp điện hiện nay.
Các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ các công trình nâng cao khả năng tải đường dây, tăng cường công tác ứng trực, kiểm tra, rà soát lưới điện truyền tải nhằm phát hiện nhanh và xử lý các bất thường thiết bị, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về tiết kiệm điện, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác các loại hình nguồn điện đang xây dựng, đặc biệt là khu vực miền Bắc.
Nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu điện xảy ra, chiều 24/6, Bộ trưởng Công Thương tổ chức họp với 10 tỉnh có điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu.
Tại thông báo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
PHẠM DUY
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo